Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 05:30 (GMT +7)
20 năm mới tiêu huỷ được nhưng hàng trăm tấn nilon thải ra môi trường mỗi ngày
Thứ 2, 04/06/2018 | 15:35:00 [GMT +7] A A
Ô nhiễm môi trường do chất thải túi nilon hay còn gọi là “ô nhiễm trắng”, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người. Theo số liệu nghiên cứu gần đây, Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia xả rác hàng đầu ra biển, đóng góp tới 60% lượng rác thải nhựa trong các vùng biển trên thế giới.
Đó là thông tin được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học về “Kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy”, là hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới năm 2018, do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức sáng 4/6, tại Binh Định.
Số lượng rác khổng lồ
Theo các chuyên gia môi trường, tỷ lệ túi nilon trong rác thải chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Theo thống kê, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5-7 túi nilon mỗi ngày. Như vậy, hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày. Chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Theo các nhà khoa học nghiên cứu thì một túi nilon trong môi trường tự nhiên phải mất 20 năm mới tiêu hủy được.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại hội thảo.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, cùng với sự tăng trưởng dân số và kinh tế, lượng chất thải nhựa và túi nilon phát sinh tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Theo số liệu điều tra cho thấy lượng chất thải nhựa và túi nilon chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh đối với nước có thu nhập trung bình như ở Việt Nam chiếm 12% lượng chất thải rắn phát sinh.
“Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam xấp xỉ 2,5 triệu tấn/ năm. Chất thải nhựa và túi nilon do con người thải trực tiếp hoặc bị cuốn trôi theo nước mưa xuống sông, ao hồ cống rãnh, biển… sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp đến chất lượng môi trường sống và sức khỏe con người”, Thứ trưởng Nhân cho biết.
Theo GS.TS Đặng Kim Chi, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, một trong những vấn nạn nhức nhối về môi trường mà con người cần phải giải quyết chính là lượng rác thải khổng lồ được thải ra đại dương mỗi năm. Trong đó, có tới hàng triệu tấn là rác thải nhựa. Theo ước tính, hiện tại lượng rác thải nhựa trên biển vào khoảng 140 triệu tấn, mỗi năm có thêm 10 triệu tấn. Rác thải nhựa khi trôi ra đến biển có thể tồn tại hàng trăm năm. Do bị cọ xát, dưới tác động của nước biển, của tia cực tím rác, nhựa sẽ rã thành những mảnh nhỏ và có thể bị các loài hải sản ăn vào để rồi lại có mặt trong chuỗi thức ăn của con người. Do đó, ngành thủy sản và du lịch bị ảnh hưởng rất lớn bởi lượng rác thải này và phải mất rất nhiều phí tổn để khắc phục.
Theo đại diện Viện Nghiên cứu quản lý biển, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, trên 50% tổng lượng chất thải nhựa thải ra đại dương là từ các nước nằm trong khu vực Biển Đông như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Philippine. Trong đó, Việt Nam là nước có lượng chất thải nhựa xả ra biển nhiều thứ 4 trên thế giới, với khối lượng thải ra Biển Đông dao động trong khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới. Các nguồn gây ô nhiễm chính liên quan đến chất thải nhựa trên biển ở Việt Nam bao gồm nguồn thải trên đất liền, trong đó chủ yếu là nguồn thải gắn với các hoạt động đô thị hóa và công nghiệp hóa vùng ven biển; hoạt động giao thông và vận tải thủy nội địa; các nguồn thải trên biển, hoạt động vận tải trên biển, đánh bắt xa bờ; các sự cố, tai biến thiên nhiên…
Cần những quy định chặt chẽ hơn
Theo bà Trần Thị Phương Nhung, Phó Trưởng phòng chính sách Thuế tài sản, Thuế tài nguyên, Thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài Chính, Luật thuế Bảo vệ Môi trường (BVMT) quy định túi ni lông thuộc diện chịu thuế với khung mức thuế từ 30.000-50.000 đồng/kg; Mức thuế hiện hành là 40.000 đồng/kg.
“Thực tế cho thấy, mức thuế BVMT đối với túi ni lông của Việt Nam là thấp nên chưa tác động nhiều tới hạn chế việc sản xuất, sử dụng túi ni lông”, bà Nhung cho hay.
Rác thải nhựa, túi nilon bủa vây, đe dọa môi trường, sức khỏe con người. Ảnh: Qúy Trung – TTXVN
Bà Nhung cũng dẫn ra kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước trên thế giới đang áp dụng mức thuế BVMT cao hoặc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi ni lông. Cụ thể như: Anh: 15 cent/túi, tương đương 4.500 đồng/túi; Ailen: 15 cent/túi, tương đương 4.500 đồng/túi; Hồng Kông: 0,05 USD/túi, tương đương 1.050 đồng/túi; Estonia: đang dự kiến thu thuế đối với túi ni lông ở mức 2 kroons/túi, tương đương 3.000 đồng/túi. Một số nước khác còn cấm sản xuất, bán, sử dụng túi ni lông mỏng, ví dụ như Trung Quốc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi ni lông có độ dày nhỏ hơn 0,025 mm.
Mặt khác, theo bà Nhung, hiện nay việc theo dõi, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh túi ni lông rất khó khăn do cơ sở sản xuất túi ni lông phần lớn (khoảng 70%) là cơ sở sản xuất nhỏ nộp thuế khoán, nên trên thực tế số thu thuế BVMT từ túi ni lông những năm qua là không đáng kể và giảm dần, sản phẩm túi ni lông vẫn được tiêu thụ rất nhiều với giá thành thấp.
“Do đó, cùng với các biện pháp quản lý khác, để góp phần thực hiện mục tiêu giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế thì cần thiết điều chỉnh mức thuế đối với túi nilon theo hướng tăng mức thuế từ 40.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg”, bà Nhung đề xuất.
Còn theo GS.TS Đặng Kim Chi, để hạn chế chất thải nhựa, túi nilon, cần có những thay đổi về chính sách như ban hành những chính sách giáo dục tuyên truyền tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường, áp dung các chính sách kinh tế, tăng thuế , không khuyến khích sản suất các sản phẩm nhựa , đặc biệt đối với các bao bì nhựa. Từng bước thay thế túi nilon, nhựa bằng các loại bao bì thân thiện môi trường, phân hủy nhanh trong điều kiện tự nhiên như dùng các túi đựng, bao bì nhiều lần, túi đựng có nguồn gốc thực vật như gỗ, mây, tre, lá dong lá chuối, bìa giấy bao gói…
Cùng với đó, là các giải pháp công nghệ và kĩ thuật, cải tiến hay thay đổi các quá trình sản xuất công nghiệp nhằm giảm thiểu tối đa các chất thải nhựa, khuyến khích phát triển công nghệ thay thế các sản phẩm nhựa bằng các sản phẩm mới thân thiện môi trường, khắc phục nhược điểm chậm phân hủy của nhựa thải. Phát triển các công nghệ thu hồi và tái chế chất thải nhựa.
Túi nilon tự phân hủy có thật sự phân hủy? Theo GS.TS Đặng Kim Chi, hiện nay, trên thị trường Việt Nam 100% túi ni lông gắn mác tự phân hủy là được sản xuất theo công nghệ sử dụng tác nhân phân hủy quang (oxo-degradable plastics). Sau thời gian phân hủy, các loại màng, túi này thường chỉ bị vỡ vụn thành các mảnh nhỏ nhờ phần tinh bột bị phân hủy hoặc do tác nhân phân hủy quang, phần còn lại vẫn là các polyme khó phân hủy như PE và do vậy các mảnh vật liệu này tuy có kích thước rất nhỏ nhưng vẫn có tác động tới xấu tới môi trường đất cũng như không khí. Còn theo TS Đặng Văn Lợi, Nguyên Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện Việt Nam mới công nhận 40 doanh nghiệp sản xuất túi nilon thân thiện với môi trường, tự phân hủy. “Tôi khẳng định không ai dám chắc túi nilon thân thiện môi trường ngoài thị trường là túi nilon tự phân hủy. Các mẫu đó đều cho nợ chứng nhận, trong khi đó, công tác kiểm tra, thanh tra không có, chúng ta hoàn toàn thả nổi. Cho đến giờ, Việt Nam chưa có một phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia nào để đánh giá túi nilon thân thiện môi trường có tự phân hủy thật hay không”, TS Lợi nhận định. |
Ý kiến ()