Theo Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, ngày 14/7/2004, Thủ tướng ban hành quyết định phê duyệt chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em (nay là chương trình phòng, chống mua bán người, gọi tắt là chương trình 130/CP).
Nhìn lại 12 năm thực hiện đã thu được những kết quả nổi bật. Riêng giai đoạn 2011-2015, các cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá trên 2.200 vụ, bắt hơn 3.300 đối tượng, tổ chức giải cứu, tiếp nhận gần 4.500 nạn nhân. Hợp tác quốc tế được tăng cường và mở rộng, khẳng định và thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm, hiệu quả các cam kết của VN trước cộng đồng quốc tế về phòng, chống mua bán người.
Tuy nhiên, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, xu hướng tăng. Trong đó, nguyên nhân cơ bản là do siêu lợi nhuận, mất cân bằng về giới, do khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, do mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin của người dân; công tác truyền thông, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người chưa đủ mạnh…
Thiếu tướng Hòa cũng cho hay, tại VN hoạt động mua bán người xảy ra phạm vi trên cả 63 tỉnh, TP, không chỉ xảy ra mua bán phụ nữ, trẻ em mà còn có mua bán đàn ông, bào thai, nội tạng… Mỗi năm trung bình trên cả nước có 500 vụ liên quan đến nạn mua bán người.
Để khắc phục tình trạng trên, ngày 10/5, Thủ tướng đã ban hành quyết định lấy ngày 30/7 hằng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.
“LHQ cam kết luôn đồng hành cùng với Chính phủ VN trong công tác phòng, chống mua bán người cũng như thúc đẩy việc thực hiện các cam kết quốc tế và sự hợp tác giữa các Chính phủ để giải quyết vấn đề này”, vị đại diện nói.
Tại VN, đây là năm đầu tiên tổ chức hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”.
H.Nhì- TTXVN
Ý kiến ()