Năm 2017 là một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với sự kiện kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội. Trong 50 năm qua, ASEAN đã có những bước chuyển mình vượt bậc, từ một khu vực bị chia rẽ bởi các quan điểm chính trị khác nhau, ASEAN đã trở thành một khối thống nhất, đoàn kết, gắn bó và hữu nghị với sự tham gia của cả 10 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Nền kinh tế lớn thứ 6 của thế giới
Trong bức tranh phát triển chung của ASEAN nửa thập kỷ qua, hợp tác kinh tế ASEAN là những mảng màu rực rỡ và sống động nhất với những kết quả cụ thể và thiết thực. Từ một tổ chức đặt ưu tiên cho mục tiêu chính trị, đến nay, ASEAN đã trở thành một liên kết kinh tế mạnh mẽ với mức độ tự do hóa cao trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư.
Đồng thời, ASEAN cũng là một nền kinh tế lớn, trung tâm thương mại quan trọng trong bản đồ kinh tế toàn cầu, vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 của thế giới và thứ 3 ở châu Á với tổng sản phẩm quốc nội đạt 2550 tỷ USD năm 2016. Với đà tăng trưởng hiện nay, đến năm 2050, ASEAN được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 toàn cầu.
ASEAN sau 50 năm thành lập và phát triển đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 của thế giới. (Ảnh minh họa: KT) |
Trên cơ sở Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), đến hết năm 2016, ASEAN đã xóa bỏ thuế nhập khẩu với 96.01% tổng số dòng thuế (tỷ lệ xóa bỏ thuế nhập khẩu của các nước ASEAN-6. Theo kế hoạch đến 2018, tỷ lệ xóa bỏ thuế nhập khẩu của các nước ASEAN-6, CLMV và trung bình ASEAN sẽ lần lượt là 99,20%, 97,81% và 98,67%.
Trong khuôn khổ Hiệp định khung về Dịch vụ ASEAN (AFAS), ASEAN đã có 9/10 Gói cam kết về thương mại dịch vụ chung, 7 Gói cam kết về dịch vụ tài chính, 9 Gói cam kết về dịch vụ vận tải hàng không với phạm vi rộng hơn và mức độ sâu hơn so với các cam kết trong khuôn khổ WTO.
Các thành viên ASEAN đã nỗ lực loại bỏ dần các biện pháp bảo lưu trong Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) (ký vào năm 2009), hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn với các biện pháp, sáng kiến xúc tiến, thúc đẩy, bảo hộ và thuận lợi hóa đầu tư. Đồng thời, các thành viên ASEAN đã hoàn thành xây dựng Khuôn khổ ASEAN về hội nhập ngân hàng với các biện pháp hài hòa hóa quy định và tiêu chuẩn ngân hàng, tăng cường kết nối các thị trường chứng khoán trong và ngoài khu vực.
Hiện nay, ASEAN đã ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về bằng cấp và tư cách hành nghề đối với 8 ngành dịch vụ (điều dưỡng, hành nghề y, nha khoa, kế toán, kỹ sư, kiến trúc, khảo sát và du lịch), thông qua Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF) và thực thi Hiệp định ASEAN về Di chuyển thể nhân (MNP) nhằm tạo ra cơ chế hiệu quả, hướng tới tự do lưu thông của lao động có tay nghề trong ASEAN.
Để tối ưu hóa lợi ích từ cơ hội do mối liên kết về thương mại, đầu tư mở ra, các nước ASEAN đã và đang triển khai tích cực các chính sách và biện pháp để đưa ASEAN thành một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao. Trên cơ sở xây dựng chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, tăng cường hợp tác về thương mại điện tử, phát triển cơ sở hạ tầng, thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, áp dụng thực tiễn sản xuất tốt nhất và tiêu chuẩn quốc tế.
Một ASEAN phát triển kinh tế đồng đều
Song song với việc tích cực hội nhập nội khối, các thành viên ASEAN tiếp tục xây dựng một ASEAN mở cửa, hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu thông qua việc thực thi và nâng cấp 5 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký với 6 đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand; triển khai đàm phán FTA ASEAN-Hong Kong (đã kết thúc đàm phán vào cuối tháng 7 vừa qua) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 6 đối tác trên.
Với các cam kết tự do hóa thuế quan, bảo hộ đầu tư nước ngoài, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, các Hiệp định FTA này giúp ASEAN đẩy mạnh hơn nữa mở cửa với thế giới, mở rộng thị trường xuất khẩu, phân bổ lại nguồn lực theo hướng hiệu quả hơn, nâng cao sức cạnh tranh, đồng thời làm cho môi trường đầu tư ASEAN ngày càng trở nên hấp dẫn hơn, thúc đẩy các doanh nghiệp trong ASEAN tham gia sâu vào các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu.
Quan hệ hợp tác kinh tế với các các đối tác quan trọng khác như Hoa Kỳ, EU, Canada, Liên bang Nga cũng được ASEAN triển khai tích cực thông qua các sáng kiến, các chương trình hành động cụ thể, tập trung vào các nội dung các bên cùng quan tâm như kinh tế thương mại, đầu tư quốc tế, phát triển năng lực.
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-ASEAN tăng gấp 7 lần
Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN vào ngày 28/7/1995. Sau hơn 22 năm tham gia ASEAN, từ những bỡ ngỡ ban đầu, Việt Nam đã tham gia sâu rộng, toàn diện vào tất cả các lĩnh vực hợp tác, trong đó có hợp tác kinh tế, theo phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, đồng thời có những đóng góp vô cùng quan trọng cho sự vươn lên ngày càng lớn mạnh của hợp tác kinh tế ASEAN thời gian qua.
ASEAN là động lực quan trọng giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững thời gian qua với vị trí đối tác thương mại đứng thứ hai của Việt Nam (sau Trung Quốc), tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm trong thập kỷ qua.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-ASEAN tăng gấp 7 lần sau hơn 20 năm trở thành viên của khối này. Riêng năm 2016, xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước ASEAN đạt gần 17,45 tỷ USD, tăng 6,8 lần với tốc độ tăng bình quân 10% năm. Nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam năm 2016 đạt 24,04 tỷ USD, tăng 7,2 lần so với năm 1996.
Bên cạnh đó, với các Hiệp định thương mại tự do được ký kết trong khuôn khổ ASEAN, giá nhân công cạnh tranh và vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam cũng là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp ASEAN. Đầu tư từ các nước ASEAN vào Việt Nam năm 2016 chiếm 45% tổng vốn FDI vào Việt Nam, tăng khoảng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2015.
Sau gần 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN, với cột mốc quan trọng là sự hình thành của Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, ASEAN đã và đang tiếp tục phải vượt qua quãng đường rất dài để xây dựng một Cộng đồng Kinh tế ASEAN phát triển toàn diện và vững mạnh.
Quãng đường phát triển đó đã được thử thách bởi những khó khăn trong quá khứ như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, và hiện tại là trào lưu chống toàn cầu hóa, đa phương hóa hợp tác kinh tế hay xu hướng bảo hộ hiện nay. Hơn lúc nào hết, khu vực châu Á mà cụ thể là ASEAN cần phát huy vị trí đầu tàu trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại, liên kết kinh tế khu vực; là hình mẫu cho các khuôn khổ hợp tác kinh tế khu vực và toàn cầu.
Để làm được điều đó, các nước thành viên ASEAN cần tiếp tục duy trì sự đoàn kết và kiên định đi theo con đường hội nhập kinh tế đã lựa chọn trong nửa thế kỷ qua, khẳng định vai trò ngày càng lớn mạnh của ASEAN trên bản đồ kinh tế toàn cầu./.
Ý kiến ()