Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:22 (GMT +7)
6 năm trèo đèo, lội suối vì học sinh
Thứ 2, 16/11/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Lò Thị Đăm sinh năm 1989, tại bản Cà Nàng, xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Gia đình có 5 anh chị em, bố mẹ Đăm đều làm ruộng, nên hoàn cảnh cuộc sống rất khó khăn, vất vả. Thấu hiểu được điều đó, Đăm luôn tâm niệm mình phải cố gắng phấn đấu để vươn lên.
Ước mơ trở thành cô giáo vùng cao
Năm 2006, tốt nghiệp THPT, Lò Thị Đăm thi đại học, đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định. Tốt nghiệp năm 2009, Đăm về dạy ở Trường Tiểu học Cà Nàng, năm 2012, song song với việc dạy học, Đăm tiếp tục theo học đại học tại Trường Đại học Tây Bắc, đến nay cô đã hoàn thành xong chương trình học.
Cô giáo Đăm trên con đường đến trường. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Đăm tâm sự: “Từ nhỏ, tôi đã muốn được trở thành cô giáo, để mang con chữ đến với các em nhỏ ở quê hương mình, giúp các em mở mang kiến thức, phấn đấu thoát khỏi cảnh nghèo khó. Được sinh ra và trưởng thành tại Cà Nàng, tuổi thơ tôi gắn với ký ức là những ngôi trường bé nhỏ, lớp học đơn sơ, cùng những thầy cô sớm hôm tận tụy. Vì vậy tôi cảm thấy rất vui sướng và hạnh phúc khi được về giảng dạy trên chính quê hương mình. Ngày đầu tiên nhận lớp, nhìn những ánh mắt ngây thơ, ngơ ngác của các em học sinh, tôi lại có thêm động lực và ý chí để hoàn thành tốt công việc của mình”.
Trường Tiểu học Cà Nàng, nơi Đăm công tác có 44 cán bộ, giáo viên, tổng số học sinh là 544 và 34 lớp học. Những năm đầu vào nhận công tác, Đăm được phân công giảng dạy 4 năm liền tại khu trường lẻ và 2 năm tại điểm trung tâm. Khi hòa nhập vào cuộc sống thực tế của học sinh nơi đây, Đăm lại càng thấu hiểu hơn những nhọc nhằn, vất vả của gia đình và sự thiệt thòi của bản thân các em. Từ đó, cô luôn trăn trở làm thế nào để các em trong độ tuổi đi học đều được cắp sách đến trường? Làm thế nào để các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không phải bỏ học giữa chừng?…
Nỗ lực vận động
Xã Cà Nàng, nơi Đăm sinh ra và lớn lên là một xã vùng sâu, nằm cách xa trung tâm khoảng 60 km, với 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, đa số đều làm nghề nông. Vốn tiếng Kinh của bà con còn chưa thông thạo, khả năng giao tiếp còn nhiều hạn chế. Không những thế, phụ huynh học sinh đều có chung một suy nghĩ là cho con cái ở nhà để đỡ đần công việc đồng áng, trông nom em nhỏ… nên phần lớn các em không được đến trường theo đúng độ tuổi quy định, có em còn phải bỏ học giữa chừng.
Cố giáo Đăm thường xuyên đến nhà trò chuyện, vận động phụ huynh học sinh. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Do nhận thức của đồng bào nơi đây còn nhiều hạn chế, điều kiện vật chất và hoàn cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nên việc gia đình, phụ huynh học sinh ngăn cấm, không cho con em mình đến lớp là chuyện xảy ra như “cơm bữa”. Những lúc như vậy, Đăm lại đến từng nhà, từng gia đình để thuyết phục, vận động phụ huynh cho con em tiếp tục đến lớp. Đi bộ từ khắp bản nọ sang bản kia, băng rừng lội suối hàng giờ đồng hồ để vận động phụ huynh và các em học sinh, bất kể trời mưa hay nắng.
Tìm gặp được phụ huynh học sinh không đơn giản. Nhiều gia đình ở lại trên lán nương rẫy đến 1 – 2 tuần, cũng có khi ở cả tháng, tới khi nào xong việc mới về. Tìm gặp khó khăn đã vậy, để thuyết phục phụ huynh lại càng khó khăn hơn. Đăm tâm sự, kỷ niệm đáng nhớ nhất của cô là về học sinh Lò Thị Huyền, nhà ở cách trường 2 km. Gia đình em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố nghiện rượu, tối ngày say xỉn; nhà đông anh em, mẹ lại hay đau ốm, nhưng vẫn phải lao động để nuôi cả nhà… Hoàn cảnh gia đình như vậy, nên mẹ Huyền muốn cho em thôi học. Nhưng những lời quát nạt, chửi mắng trong cơn say xỉn của bố, cộng thêm bệnh tật, ốm đau của mẹ không làm Huyền lung lay ý chí, mà ngược lại càng khiến em có thêm quyết tâm muốn được đến lớp, đến trường. Thấu hiểu được mong muốn của Huyền, Đăm đã đến nhà để vận động bố mẹ em cho em được đến lớp trong suốt một thời gian dài. Những ngày đầu, phụ huynh không muốn gặp, thậm chí không cả tiếp chuyện, thuyết phục như thế nào họ cũng không nghe. Đăm đã tìm mọi cách để giải thích cho phụ huynh hiểu rằng: Nếu chỉ ở nhà làm ruộng, làm nương mà không đến lớp, không đi học thì không có tương lai. Con biết chữ, học giỏi thì sau này sẽ được làm cán bộ hoặc ít ra là có được ngành nghề ổn định, giúp bố mẹ thoát khỏi cái đói, cái nghèo… Sau rất nhiều lần vận động, thuyết phục, cuối cùng Đăm cũng nhận được cái gật đầu đồng ý của bố mẹ Huyền.
Khó khăn của Đăm cũng như tất cả các giáo viên trong Trường Tiểu học Cà Nàng không chỉ dừng ở việc duy trì sĩ số lớp, ổn định việc học tập cho học sinh, mà những điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng thiếu thốn rất nhiều. Không những thế, đường sá đi lại cũng là rào cản ngăn cách nhiều thứ, nhiều điểm trường chưa có sóng điện thoại, mạng Internet… Đăm nói: “Khó khăn thì không sao kể hết, nhưng bản thân cô và tất cả giáo viên ở đây luôn động viên và cùng nhau nỗ lực không ngừng để có thể truyền đạt đầy đủ kiến thức cho học sinh thân yêu”.
Trong 6 năm qua, Lò Thị Đăm luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, được tặng giấy khen của UBND huyện… Nhưng Đăm bảo, niềm vui và cũng là thành công đáng tự hào đối với cô chính là lớp của mình chủ nhiệm năm nào cũng duy trì được 100% sĩ số học sinh, không có em nào bỏ học giữa chừng và em nào cũng đọc thông viết thạo, tính toán tốt…
Ý kiến ()