Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 20:53 (GMT +7)
Ấn tượng quốc tế về ba thập kỷ tăng trưởng liên tục của kinh tế Việt Nam
Thứ 5, 30/01/2020 | 09:18:00 [GMT +7] A A
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sức bật mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong hơn ba thập kỷ qua, kể từ khi đất nước bắt đầu thực hiện đường lối đổi mới toàn diện vào năm 1986, là điều gây ấn tượng với thế giới.
Đặc biệt, nhiều tổ chức, giới truyền thông và chuyên gia quốc tế đánh giá kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong khu vực, khi tăng trưởng vững vàng trong năm qua dù kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều yếu tố bất ổn, nhất là căng thẳng thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc.
Từ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong ba thập kỷ qua…
Một bài viết của hãng tin CNBC (Mỹ) có đoạn: Việt Nam từng bị cô lập và từng là một trong những nước nghèo thất thế giới, nhưng trong ba thập kỷ qua, Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất với sự góp mặt của các tập đoàn quốc tế lớn như Intel, Samsung, Adidas và Nike… Khả năng tăng trưởng mạnh của Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị đình trệ rất đáng khâm phục.
Tờ Bangkok Post của Thái Lan đăng bài viết trong đó nhận định Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhất khu vực Đông Nam Á và là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Theo nội dung bài viết, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực đưa đất nước trở thành điểm đến hấp dẫn đầu tư. Các công ty công nghệ như Nokia, Samsung và Olympus cũng như các nhà sản xuất giày như Nike và Adidas đã chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Bokwang Vina (Khu công nghiệp Điềm Thụy, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Trên trang của Brookings Institution, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, có bài viết nhận định, đến nay, Việt Nam là một trong những quốc gia đạt được thành công kinh tế lớn nhất trong thế kỷ XXI. Chỉ một thế hệ trước, Việt Nam còn là một trong những nước nghèo nhất thế giới, sau ba thập kỷ tăng trưởng liên tục, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế với thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh. Ngoài động lực lớn nhất góp phần vào sự tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam là lao động giá rẻ, bốn phương hướng phát triển chính sẽ giúp Việt Nam tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình là tăng vốn đầu tư vào sản xuất, đào tạo lực lượng lao động có kỹ năng của thế kỷ XXI, khuyến khích đổi mới và hoàn thành việc thiết lập các cơ chế thị trường.
Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam đã viết nên một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo. Theo tổ chức này, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhất trên thế giới. Với HDI năm 2019 là 0,63, Việt Nam xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước. Việt Nam cũng đang ở gần mức trần của nhóm các nước có HDI ở mức trung bình và chỉ cần thêm 0,007 điểm để vào được nhóm các nước có HDI ở mức cao.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi tham dự Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019 tại Hà Nội với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng – Ưu tiên và hành động” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và các đối tác phát triển tổ chức đã có những chia sẻ đầy lạc quan về nền kinh tế, về một Việt Nam không ngừng mơ ước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh một Việt Nam không ngừng mơ ước và luôn hành động quyết liệt để hiện thực ước mơ trong toàn bộ lịch sử cải cách và phát triển vừa qua và tiếp tục trên con đường tiến tới tương lai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao và đó là cơ sở để tỷ lệ đói nghèo từ mức rất cao, trên 53% năm 1992 (mức 1,9 USD/ngày tính theo sức mua tương đương năm 2011), giảm 10 lần, chỉ còn 5,23% năm 2018 theo chuẩn nghèo đa chiều. Đồng thời, tầng lớp trung lưu cũng tăng lên, chiếm hơn 15% dân số và đang tăng rất nhanh. Xét về quy mô dân số, có thể nói rằng đây là một trong những cuộc vượt đói nghèo vĩ đại trong lịch sử các nước.
Thủ tướng cũng đồng tình, đánh giá cao nhiều nhận định xác đáng của các chuyên gia quốc tế về những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế Việt Nam. Đó là khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài của Việt Nam còn yếu, năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn nhiều hạn chế.
Từ cuối những năm 70, khi đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế – xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam, trên cơ sở tổng kết thực tiễn và những kinh nghiệm sáng tạo của nhân dân, đã đề ra nhiều chủ trương đổi mới từng phần. Cuối năm 1986, tại Đại hội VI, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đảng ta đã nghiêm khắc kiểm điểm sự lãnh đạo của mình, khẳng định những mặt làm được, phân tích những sai lầm, khuyết điểm, đề ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
…đến sự vững vàng trước những “cơn gió ngược” toàn cầu
Theo số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 đạt 7,02%. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011. Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố cao hơn dự báo của các tổ chức quốc tế.
Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick, khẳng định mặc dù tăng trưởng xuất khẩu bị chững lại do xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc kéo theo sự sụt giảm của thương mại toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu nội địa tiếp tục tăng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được duy trì.
Theo Đài Sputnik, năm 2019 ghi nhận Việt Nam có tiếng nói ngày càng mạnh trên trường quốc tế, và điều này được phản ánh trên các phương tiện truyền thông nước ngoài. Đặc biệt, tăng trưởng ấn tượng của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là chủ để được dư luận quan tâm nhiều nhất.
Phát biểu tại một cuộc hội thảo ở Washington (Mỹ), bà Deborah Elms, nhà sáng lập và là Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Asian Trade Centre có trụ sở ở Singapore, nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á đã thực hiện rất tốt trong việc tăng cường nội lực để có thể ứng phó với những tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, tiếp tục thu hút đầu tư nhiều hơn từ bên ngoài.
Ông Vladimir Mazyrin, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Học viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nói với Đài Sputnik rằng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trên đà giảm tốc, Việt Nam vẫn là ngôi sao sáng nhất cho thấy sự tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định.
Chuyên gia Nga nói thêm bí quyết chính mang lại sự tăng trưởng ấn tượng ở Việt Nam là việc đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là khung giờ vàng cho doanh nghiệp Việt Nam. Chính phủ đã nỗ lực và đạt nhiều thành tựu, trong đó phải kể đến các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và thủ tục xác minh, triển khai chính phủ điện tử, nền kinh tế kỹ thuật số, triển khai toàn diện Cửa sổ ASEAN, khuyến khích khởi nghiệp…
Trang Diễn đàn Đông Á của Đại học Quốc gia Australia mới đây đăng bài viết của Phó Giáo sư kinh tế danh dự tại Trường Chính sách công Crawford, Suiwah Leung, trong đó nhận định một lần nữa, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện khả năng chống chọi trước những cơn gió ngược và bất ổn toàn cầu. Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải cách cơ cấu để củng cố tương lai bền vững của đất nước.
Nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã đưa ra những đánh giá hết sức tích cực về triển vọng của kinh tế Việt Nam thời gian tới. Trái ngược với xu hướng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á, ADB đã điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6,7% lên 6,8% cho năm 2020.
Theo báo The Business Times, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2020 với sự hậu thuẫn của triển vọng lạc quan về kinh tế vĩ mô, một tầng lớp trung lưu đang phát triển, khả năng ứng dụng nhanh chóng các công nghệ tiên phong và ngành công nghiệp chế tạo sản xuất đang phát triển mạnh.
Tiêu dùng – động lực then chốt của tăng trưởng kinh tế – sẽ tiếp tục đóng vai trò chính trong những năm tới. Yếu tố này được tiếp sức bởi sự gia tăng lành mạnh về thu nhập của tầng lớp trung lưu, vốn đang được mở rộng và quá trình đô thị hóa nhanh chóng.
Phát biểu với tờ The Business Times, chuyên gia công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company, ông Macro Breu, nhận định trong 5 đến 10 năm tới, Việt Nam sẽ ở vào “giai đoạn vàng”. Tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ tăng từ 20% lên 50% dân số, và đây sẽ là thời điểm rất hấp dẫn để các công ty sản xuất hàng tiêu dùng, các nhà bán lẻ và các ngân hàng đầu tư vào Việt Nam.
https://baotintuc.vn/kinh-te/an-tuong-quoc-te-ve-ba-thap-ky-tang-truong-lien-tuc-cua-kinh-te-viet-nam-20200130072822567.htm
Ý kiến ()