Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Thụy Sĩ, lượng vàng xuất khẩu từ Thụy Sĩ sang Anh trong tháng Tư vừa qua đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2012 là 78,761 tấn vàng, cao hơn lượng vàng Thụy Sĩ xuất sang Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ và Trung Quốc cộng lại.
Trong thời gian qua, một lượng lớn vàng đã được nhập vào các hầm cất trữ vàng ở thủ đô London (Anh), nhằm đáp ứng nhu cầu mua vàng của các quỹ giao dịch kim loại quý này.
Thời gian trước, vàng thỏi thường được chuyển từ London sang Thụy Sĩ để được tinh luyện trước khi xuất sang hai nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, dòng chảy vàng có sự thay đổi lớn trong những năm gần đây. Từ đầu năm tới nay, nhu cầu đồ trang sức bằng vàng giảm tại Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi lượng vàng mà các quỹ giao dịch vàng (ETF) mua vào tại Mỹ và Anh tăng mạnh sau cơn chao đảo của các thị trường chứng khoán toàn cầu hồi đầu năm.
Theo báo cáo phân tích của công ty môi giới chứng khoán Numis Securities Ltd, Ấn Độ và Trung Quốc chiếm trung bình 58% lượng vàng xuất khẩu mỗi tháng từ Thụy Sĩ, song tỷ lệ này trong tháng Tư vừa qua đã giảm xuống còn 31% – mức thấp nhất kể từ giữa năm 2014.
Thụy Sĩ là trung tâm luyện và chế tác vàng chủ chốt của thế giới, trong khi các hầm cất trữ vàng của Anh là nơi cất giữ vàng thỏi cho các quỹ giao dịch vàng.
Toàn bộ lượng vàng mà quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Shares nắm giữ hiện được để tại các hầm cất trữ vàng của ngân hàng HSBC ở London.
Ngân hàng ICBC Standard Bank (Trung Quốc) mới đây đã nhất trí mua của Barclays (Anh) – ngân hàng có một trong những hầm cất trữ vàng lớn nhất London có sức chứa lên tới 2.000 tấn kim loại.
Giá vàng tăng tới 16% trong quý 1, quý tăng ấn tượng nhất kể từ năm 1986.
Trong ba tháng đầu năm 2016, lượng vàng các các ETF mua vào tăng lên mức cao chưa từng có kể từ năm 2009.
Ngược lại, theo Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu đồ trang sức bằng vàng giảm 19%, trong đó riêng nhu cầu trang sức bằng vàng tại Ấn Độ giảm 39%./.
Ý kiến ()