Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 29/11/2024 22:44 (GMT +7)
ASEAN cam kết phát triển nguồn nhân lực trong thế giới công việc đang thay đổi
Thứ 5, 17/09/2020 | 09:38:00 [GMT +7] A A
Hội nghị cấp Bộ trưởng Lao động và Giáo dục ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay, tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp đã diễn ra ngày 16/9.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
Hội nghị có sự tham dự của 150 đại biểu từ 70 điểm cầu, bao gồm các Bộ trưởng Lao động, Giáo dục ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN, Trưởng Đại diện các tổ chức quốc tế, đối tác đối thoại của ASEAN trong và ngoài khu vực, đại diện thuộc Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN.
Tại điểm cầu Hà Nội, Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo một số bộ, ngành, viện nghiên cứu, đại diện Đại sứ quán các nước thành viên ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tại Việt Nam, một số trường đại học, trường nghề, doanh nghiệp và các Hiệp hội nghề nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ, thế giới đã và đang trải qua những biến đổi to lớn, trong đó có chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các vấn đề an ninh phi truyền thống và trực tiếp hiện hữu nhất vào thời điểm này là dịch bệnh. Nhiều ngành sản xuất, nhiều phương thức sản xuất sẽ được thay thế. Nhân công sẽ bị đào thải; những ngành nghề mới, phương thức mới, việc làm mới sẽ ra đời.
Trước khi xuất hiện đại dịch COVID-19, trên thế giới, trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và ASEAN đã có rất nhiều diễn đàn ở các cấp độ bàn về phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Dù ở cấp độ nào, giác độ nào, các diễn đàn này đều khẳng định phải tăng cường đổi mới giáo dục để mọi người dân, ngay từ khi còn nhỏ, phải được thôi thúc, khơi dậy sáng tạo, được rèn luyện kỹ năng thích ứng với sự thay đổi.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì Phiên 1 của Hội nghị: “Quan hệ đối tác về phát triển nguồn nhân lực”. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
Theo Phó Thủ tướng, đối với các nước châu Á, việc khuyến khích tư duy đổi mới, cổ vũ cái mới, “không chỉ đơn thuần biết vâng lời” mà vẫn giữ được khuôn phép truyền thống là vô cùng quan trọng. Không chỉ có giáo dục, đào tạo, mà tất cả các chính sách về an sinh xã hội, tạo lưới an sinh, xóa đói, giảm nghèo… cũng cần thay đổi.
“Bên cạnh những cơ chế truyền thống, cần có những cơ chế mới để tất cả người lao động có cơ hội và nhận thức được nghĩa vụ phải tự cập nhật kiến thức, được trang bị kỹ năng nghề nghiệp mới, thậm chí luôn sẵn sàng để chuyển đổi nghề nghiệp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nêu rõ sự tham gia đông đảo của các đối tác đến từ ASEAN và nhiều khu vực trên thế giới tại Hội nghị lần này càng minh chứng cho sự cần thiết và tầm quan trọng phải kết nối đa phương, đa chiều ở quy mô rộng hơn, Phó Thủ tướng khẳng định: Phát triển nguồn nhân lực là một trong ba ưu tiên hàng đầu của Cộng đồng ASEAN được ghi trong Hiến chương ASEAN. Các hoạt động ở các cấp độ trong từng quốc gia, giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác chiến lược, đối tác hợp tác đều rất chú trọng việc này và đã có nhiều hoạt động, sáng kiến cụ thể, trong đó việc ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN là minh chứng sinh động.
“Những nỗ lực như vậy cần được tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, liên tục để có thể thực hiện thành công Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực trong một thế giới công việc đang thay đổi, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất mới của xã hội tương lai”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Cũng tại Hội nghị, Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng giáo dục trong khu vực cần tập trung cả về giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghề nghiệp, đồng thời thúc đẩy kỹ năng số cho người dân nhằm giúp họ có thể tối đa hóa khả năng của mình trong thời đại công nghệ hiện nay.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các nước thành viên ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng coi nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa giúp nâng cao năng suất lao động và tính cạnh tranh của khu vực, đặc biệt trong bối cảnh thế giới công việc đang có nhiều đổi thay.
Do đó, phát triển nguồn nhân lực được Việt Nam chọn là một trong những ưu tiên của Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Hội nghị lần này được coi là điểm nhấn quan trọng trong Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam theo ưu tiên đã đặt ra. Đây cũng là Hội nghị đầu tiên được tổ chức với sự tham dự của cả các Bộ trưởng Lao động ASEAN và Bộ trưởng Giáo dục ASEAN.
Ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
Tại Lễ khai mạc, Hội nghị đã thông qua lộ trình của Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay (riêng Malaysia đề nghị tham vấn thêm và sẽ phản hồi bằng văn bản chính thức); ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN.
Hội nghị diễn ra với 4 phiên thảo luận, chủ đề bao gồm: Quan hệ đối tác cho phát triển nguồn nhân lực; phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên hậu đại dịch COVID-19; vai trò lãnh đạo của khu vực tư nhân với việc phát triển nguồn nhân lực; các hệ thống giáo dục và đào tạo sẵn sàng cho tương lai để thúc đẩy các kỹ năng của thế kỷ 21.
Trong khuôn khổ Hội nghị còn diễn ra Phiên họp Quan hệ đối tác với các tổ chức quốc tế, đối tác đối thoại của ASEAN ngày 15/9 nhằm chia sẻ ưu tiên hợp tác của những đối tác này với các nước ASEAN về phát triển nguồn nhân lực và các lĩnh vực quan tâm trong thời gian.
https://baotintuc.vn/chinh-tri/asean-cam-ket-phat-trien-nguon-nhan-luc-trong-the-gioi-cong-viec-dang-thay-doi-20200916202105926.htm
Ý kiến ()