Thứ Bảy, 30/11/2024 01:49 (GMT +7)

ASEAN nâng tầm vị thế

Thứ 6, 13/11/2020 | 15:14:00 [GMT +7] A  A

Cuba, Nam Phi và Colombia đã trở thành những quốc gia mới nhất ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan đang diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Như vậy, đến nay, đã có 43 quốc gia và tổ chức tham gia TAC – văn kiện có ý nghĩa quan trọng của Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN, phản ánh cam kết của khối trong việc giải quyết mọi bất đồng và xung đột một cách hòa bình. Động thái tích cực này một lần nữa cho thấy vai trò và vị thế ngày càng được củng cố của ASEAN trên trường quốc tế, đặc biệt trong việc tăng cường hợp tác, thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và thế giới, trong bối cảnh thế giới vẫn nhiều biến động và đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh ký Văn kiện để Colombia, Cuba và Nam Phi tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC). Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Tiến sĩ Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (RSIS) của Singapore cho rằng việc 3 nước mới ký kết TAC “sẽ mang lại những lợi ích hiển nhiên cho Đông Nam Á”, bởi Colombia và Nam Phi rõ ràng là những nền kinh tế lớn ở khu vực Mỹ Latinh và châu Phi, trong khi Cuba được ca ngợi là một trong những nước có hệ thống y tế công toàn diện nhất thế giới. Chính vì thế, quan hệ đối tác mới giữa 3 nước với ASEAN có ý nghĩa rất quan trọng với khu vực, trong bối cảnh các nước nỗ lực kiểm soát đại dịch và phục hồi kinh tế hiện nay.

Ở chiều ngược lại, đối với các nước mới tham TAC, trở thành đối tác với ASEAN cũng đồng nghĩa mở cánh cửa đến với một trong những khu vực đang có tốc độ tăng trưởng và tiềm năng phát triển nhất thế giới, cũng như có một vị trí địa chính trị quan trọng.

Chỉ tính riêng trong lĩnh vực kinh tế, hiện ASEAN đang chiếm khoảng 7% xuất khẩu toàn cầu, trở thành khối xuất khẩu lớn thứ tư thế giới. Với dân số trẻ, tầng lớp trung lưu mở rộng cùng quá trình đô thị hóa nhanh, ASEAN vẫn là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tăng trưởng kinh tế trung bình 5,4%, theo báo cáo “Investing in ASEAN” mới nhất của khối.

Càng đáng chú ý hơn, trong bối cảnh không khu vực nào trên thế giới có thể miễn nhiễm trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, thì đối với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, Đông Nam Á chính là khu vực vẫn còn nhiều cơ hội mở rộng kinh doanh tiềm tàng cho các doanh nghiệp toàn cầu. Những điểm sáng kinh doanh trong khu vực rất đa dạng, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, như ô tô, dịch vụ tài chính, xây dựng và thương mại điện tử.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính mỗi năm khu vực Đông Nam Á cần ít nhất 60 tỷ USD cho các dự án cải thiện và xây mới cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, các nước như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đều đang đẩy nhanh tiến trình số hóa nền kinh tế vào năm 2025, mở ra nhiều cơ hội hơn trong lĩnh vực thương mại điện tử và dịch vụ tài chính. Đương nhiên, khó khăn luôn đi kèm với cơ hội, vấn đề là khả năng nắm bắt cơ hội đó.

Tuy nhiên, kinh tế không phải là yếu tố chủ chốt. TAC là cơ chế quan trọng để điều phối hoạt động của ASEAN với các đối tác, là nền tảng để ASEAM và các nước cũng nỗ lực thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực thông qua cơ chế đối thoại và hợp tác. Việc mở rộng TAC thể hiện vai trò ngày càng quan trọng của ASEAN, với vị thế của một tổ chức khu vực vững mạnh.

Giới chuyên gia khẳng định đóng góp lớn nhất của ASEAN đến nay chính là cam kết duy trì tính ổn định khu vực ở Đông Nam Á, trong đó “tính trung tâm của ASEAN” có ý nghĩa sống còn đối với vai trò của khối. Điều này có nghĩa ASEAN là trung tâm của cấu trúc khu vực, đặc biệt trong các thể chế và đối thoại đa phương, ở châu Á-Thái Bình Dương hoặc Ấn Độ Dương-Thái Dương, tất cả các cường quốc lớn cần phải tôn trọng vai trò của ASEAN trong vị trí dẫn dắt sự hợp tác khu vực. Và lập trường mang tính nguyên tắc của ASEAN về hòa bình, ổn định trong khu vực chính là đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, những biện pháp giải quyết tranh chấp phải hiệu lực và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trải qua 53 năm, ASEAN đã phát triển mức độ hợp tác và xây dựng cộng đồng đáng kể, giúp các nước trong khu vực đối phó với những yếu tố bất định và thách thức từ bên ngoài. Hiện nỗ lực xây dựng ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN gồm Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế, và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội đều tiến triển với những mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, ASEAN cũng đã nỗ lực tạo ra tiến bộ tổng thể trong hợp tác khu vực. Công tác triển khai Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN 2025 tiếp tục gặt hái nhiều kết quả, bất chấp những khó khăn, ảnh hưởng bất lợi do đại dịch COVID-19, khi 96% dòng hành động đã được đưa vào triển khai.

Vai trò địa-chính trị và vị thế của ASEAN trên trường quốc tế cũng được củng cố vững chắc khi khu vực luôn nằm ở vị trí quan trọng trong các chiến lược và tầm nhìn của các đối tác lớn, như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ hay Liên minh châu Âu (EU). Điều đó được thể hiện rõ ngay trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan lần này, diễn ra từ ngày 12-15/11.

Việc Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide chọn Việt Nam và Indonesia là những điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị mới cho thấy rất rõ tầm quan trọng của Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại nhất quán của Tokyo. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 23 diễn ra chiều 12/11, ông Suga Yoshihide một lần nữa đánh giá cao quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản; khẳng định ủng hộ đoàn kết ASEAN và coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 12/11 đã thông báo “Chính sách hướng Nam mới ” tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Hàn Quốc. Đây là phiên bản cập nhật sáng kiến của chính quyền Hàn Quốc cách đây 3 năm, nhằm mục đích thắt chặt quan hệ chiến lược giữa Seoul với các nước ASEAN. Chiến lược gồm nhiều biện pháp mới và thực tế, tập trung vào 7 lĩnh vực lớn, trong đó có hợp tác y tế toàn diện. Điều này sẽ giúp Hàn Quốc và ASEAN dẫn dắt việc mở ra một thời kỳ hậu COVID-19 và biến “cộng đồng hòa bình và thịnh vượng tập trung vào người dân” thành một thực tế sớm hơn.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 23, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng khẳng định ASEAN là ưu tiên cao trong chính sách láng giềng của Trung Quốc; Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực …

Trong khi đó, Ấn Độ khẳng định ASEAN là cốt lõi của chính sách Hành động hướng Đông của nước này. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh Ấn Độ dành ưu tiên hàng đầu cho việc tăng cường tất cả các lĩnh vực kết nối với ASEAN.

Trước đó, tại Đối thoại ASEAN – Mỹ ngày 5/8/2020, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell khẳng định, Mỹ luôn coi trọng quan hệ với ASEAN và ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực.

Năm 2020 thực sự nhiều biến động và bất định, với đại dịch COVID-19 bùng phát, sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn cũng như kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Việt Nam, trên cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN, cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn, khi phải tổ chức trực tuyến các hội nghị cấp cao. Tuy nhiên, Tiến sĩ Collin Koh khẳng định cần phải ghi nhận và đánh giá cao những gì Việt Nam đã làm trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 để vượt khó khăn, định hướng những chương trình kế hoạch hành động chung của khối trong bối cảnh các nước thành viên đều phải tập trung giải quyết những vấn đề quan trọng trong nước.

Với chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam đã thực sự cùng các nước khu vực thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như vai trò của khối trong một thế giới nhiều biến động. Đại dịch COVID-19 bùng phát với những hậu quả chưa từng thấy càng cho thấy chủ đề và hướng hành động này phù hợp như thế nào với tình hình thực tế khu vực.

Đáng chú ý, hơn 80 văn kiện, trong đó có nhiều đề xuất của Việt Nam, dự kiến sẽ được báo cáo, ghi nhận và thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 12-15/11. Đây con số cao nhất từ trước đến nay từng được ghi nhận tại một hội nghị cấp cao ASEAN. Trong đó, đáng lưu ý nhất chính là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) dự kiến sẽ được ký kết.

Việc nước Chủ tịch ASEAN 2020 Việt Nam phát huy vai trò chủ động và trách nhiệm, cùng các quốc gia thành viên ASEAN tổ chức một loạt sự kiện quan trọng, trong đó có hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN 3 về đối phó với đại dịch COVID-19 hồi tháng 4, Hội nghị cấp cao lần thứ 36 hồi tháng 6 và Hội nghị cấp cao 37 này, đã giúp ASEAN duy trì ổn định các hoạt động, giữ vững vai trò, vị thế của mình. Trong bối cảnh một số thể chế đa phương đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, ASEAN đang tiếp tục dẫn dắt xu hướng đối thoại, hợp tác và liên kết khu vực và thế giới. Chính điều này càng khiến vai trò của ASEAN được khẳng định, vị thế càng được nâng tầm.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) ngày 10/11, thay mặt nước Chủ tịch ASEAN 2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã khẳng định hiện tại là giai đoạn “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” của ASEAN. ASEAN cần thể hiện sự đoàn kết, gắn bó để có thể hoàn tất các ưu tiên sáng kiến của năm ASEAN 2020, hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, đồng thời ứng phó hiệu quả với các thách thức đang nổi lên, đặc biệt là đại dịch COVID-19.

Bởi đoàn kết chính là “yếu tố then chốt đảm bảo hòa bình, ổn định, độc lập và tự chủ trong môi trường thế giới nhiều bất định hiện nay. Đó cũng chính là yếu tố khiến các đối tác tiếp tục coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực và thế giới.

Việt Hải (TTXVN)
https://baotintuc.vn/the-gioi/asean-nang-tam-vi-the-20201113145105341.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu