Thứ Sáu, 29/11/2024 00:45 (GMT +7)

ASEM cùng hành động, ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ 3, 19/06/2018 | 16:54:00 [GMT +7] A  A

Ngày 19/6, tại Cần thơ, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) về “Cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững định hướng tương lai”.

Quang cảnh buổi họp báo nhằm cung cấp thông tin về Hội nghị ASEM, họp ngày 18/6. Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN

Gần 200 đại biểu đến từ 53 nền kinh tế thành viên của Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), các tổ chức quốc tế, khu vực, lãnh đạo các bộ, ngành và 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tham dự.

Hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung như: Phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu; gắn kết giữa hành động ứng phó biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững; xây dựng năng lực và hành động thích ứng biến đổi khí hậu; thúc đẩy quan hệ đối tác khí hậu Á – Âu vì phát triển bền vững.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chia sẻ, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là rất nghiêm trọng, nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.

Thứ trưởng Lê Công Thành hy vọng, việc đăng cai tổ chức Hội nghị ASEM cùng hành động, ứng phó biến đổi khí hậu năm nay sẽ tạo cơ hội để các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long kết nối, mở rộng hợp tác quốc tế với chuyên gia hàng đầu thế giới về biến đổi khí hậu, tranh thủ sự hỗ trợ từ các nền kinh tế thành viên ASEM cho các chương trình hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ… góp phần triển khai Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Hội nghị được tổ chức đúng thời điểm thế giới đang đẩy mạnh hơn bao giờ hết các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh việc góp phần triển khai các thỏa thuận quan trọng đạt được tại Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 11 ở Ulan Bator (Mông Cổ) cách đây hai năm, đây là dịp để Việt Nam đẩy mạnh hành động nhằm triển khai thỏa thuận Paris vào Chương trình Nghị sự 20, Nghị sự 30 về biến đổi khí hậu, đóng góp tích cực vào quan tâm chung của ASEM và nỗ lực quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, từ đó phát huy vị thế của nước ta trong ASEM.

Đến dự và phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị: Hội nghị cần xác định cách tiếp cận tổng thể để thống nhất nhận thức và hành động về sự cần thiết gia tăng nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững.
Các sáng kiến, dự án hợp tác chuyên ngành của ASEM về quản lý nguồn nước, ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, năng lượng, an toàn thực phẩm, bình đẳng giới và giảm nghèo… cần được gắn kết chặt chẽ hơn nhằm đưa ra các biện pháp toàn diện cho phát triển bền vững. Ở cấp độ quốc gia, ứng phó biến đổi khí hậu cần được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển bền vững, cân bằng, đồng đều và sáng tạo.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị, các thành viên phát triển trong ASEM có biện pháp hỗ trợ tài chính cụ thể cho thành viên đang phát triển phải đối mặt với những thách thức gay gắt về biến đổi khí hậu; qua đó thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên về ứng phó biến đổi khí hậu vì phát triển bền vững; thiết lập mạng lưới kết nối và chia sẻ thông tin giữa các nhà hoạch định chính sách, giới nghiên cứu, doanh nghiệp, địa phương… trong lĩnh vực này; thúc đẩy chia sẻ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, các chương trình đối tác công – tư, chuyển giao và sử dụng công nghệ xanh, sạch.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao các quan hệ đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và chương trình hợp tác, hỗ trợ hiệu quả về tài chính, chuyển giao công nghệ mà nhiều thành viên ASEM đã dành cho Việt Nam. Các chương trình này đã hỗ trợ Việt Nam một cách thiết thực trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước, nâng cao năng lực giám sát và thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với nước biển dâng, xâm nhập mặn lan rộng ở hạ lưu sông Mekong, đồng thời nâng cao khả năng đóng góp của Việt Nam vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

Hội nghị ASEM cùng hành động ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những sự kiện liên khu vực quan trọng nhất về biến đổi khí hậu, là hoạt động duy nhất do Việt Nam đăng cai trong khuôn khổ ASEM năm 2018. Đây là sáng kiến chung của 8 nền kinh tế thành viên ASEM, gồm: Việt Nam, Australia, Bỉ, Đan Mạch, Myanmar, Phần Lan, Hà Lan và Italy, được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM 13 (Myanmar, 11/2017).

Theo Hồng Giang (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu