Thứ Tư, 27/11/2024 14:46 (GMT +7)

Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại Việt Nam-Trung Quốc

Thứ 5, 13/08/2020 | 16:16:00 [GMT +7] A  A

Ngày 13/8, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc đồng chủ trì tổ chức Kỳ họp lần thứ 9 Nhóm công tác hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc (Nhóm Công tác) lần đầu tiên theo hình thức trực tuyến.

Các xe hàng nông sản chờ làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Đây là cơ chế hợp tác trong khuôn khổ Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam-Trung Quốc được tổ chức thường niên nhằm trao đổi các giải pháp đối với các vấn đề khó khăn trong hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước.

Tại kỳ họp, hai Bên đã điểm lại tình hình hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc kể từ Kỳ họp lần thứ 8 Nhóm Công tác (tháng 12/2019) đến nay và vui mừng nhận thấy, nhiều vấn đề trao đổi tại Kỳ họp lần thứ 8 Nhóm Công tác đã được phối hợp giải quyết.

Cụ thể, 4 công ty, nhà máy của Việt Nam được xuất khẩu sản phẩm sữa vào thị trường Trung Quốc; khôi phục tư cách xuất khẩu bột cá đi thị trường Trung Quốc cho 3 công ty của Việt Nam; bổ sung Cửa khẩu quốc tế đường sắt Đồng Đăng – Bằng Tường đủ điều kiện xuất khẩu trái cây đi thị trường Trung Quốc…

Đáng chú ý, những tháng đầu năm 2020, kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Cùng với đó, hai bên cũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành và địa phương hai nước trong việc vừa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, vừa phối hợp kiểm soát tốt dịch bệnh.

Tại kỳ họp, bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), Trưởng Nhóm Công tác Việt Nam nêu một số kiến nghị nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại và phát sinh mới trong quan hệ thương mại song phương thời gian tới.

Theo đó, bà Lê Hoàng Oanh đề nghị, hai bên kéo dài thời gian thông quan và khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cặp chợ, cửa khẩu biên giới Việt – Trung.

Đồng thời, phía Trung Quốc bổ sung thêm các cửa khẩu được phép nhập khẩu trái cây, lương thực; hai bên triển khai các giải pháp rút ngắn thời gian thông quan đối với hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Mặt khác, thúc đẩy mở cửa thị trường cho các loại nông sản của Việt Nam. Đồng thời, thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên cũng như tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương doanh nghiệp trên các nền tảng trực tuyến.

Phía Trung Quốc ghi nhận, đánh giá cao và bày tỏ nhất trí với nhiều đề xuất mới mang tính xây dựng của phía Việt Nam.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ phối hợp, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương liên quan phía Trung Quốc nghiên cứu, phối hợp triển khai những kiến nghị của Việt Nam để kịp thời giải quyết các vấn đề tồn tại và phát sinh mới trong quan hệ thương mại song phương. Qua đó, góp phần ứng phó hiệu quả với tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế hai nước.

Ông Bành Cương, Vụ trưởng Vụ châu Á (Bộ Thương mại Trung Quốc), Trưởng Nhóm Công tác Trung Quốc cũng đề xuất một số vấn đề liên quan đến hợp tác kinh tế, thương mại song phương.

Cụ thể như: hỗ trợ chuyên gia, nhà đầu tư, nhân viên kỹ thuật Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam; đẩy nhanh tiến độ bàn giao Dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông; tăng cường hợp tác trong các khuôn khổ khu vực và đa phương, phòng vệ thương mại…

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc đạt 65,18 tỷ USD, tăng 4,79% so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng lưu ý, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc giảm 16,38% so với cùng kỳ. Trung Quốc tiếp tục là đối tác số 1 của Việt Nam, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Trung Quốc.

Uyên Hương (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/ban-giai-phap-thuc-day-phat-trien-thuong-mai-viet-namtrung-quoc-20200813133528409.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu