Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 30/11/2024 08:54 (GMT +7)
Bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu cá tra
Thứ 7, 10/08/2019 | 09:30:00 [GMT +7] A A
Chiều 9/8, tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, Tổng cục Thuỷ sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang tổ chức hội nghị “Đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ và bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu cá tra những tháng cuối năm 2019”, với sự tham gia của các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuỷ sản phát biểu tại hội nghị.
Theo Tổng cục Thuỷ sản, tính đến ngày 31/7/2019, tổng diện tích thả nuôi cá tra của cả nước đạt hơn 4.600 ha, tăng 18,8% so với cùng kỳ; trong đó, Đồng Tháp có diện tích nuôi lớn nhất với hơn 1.800 ha, tiếp đến là An Giang với hơn 853 ha. Hiện diện tích thu hoạch cá tra của cả nước đạt gần 2.400 ha, bằng 99,4% so với cùng kỳ; sản lượng thu hoạch đạt gần 780.000 tấn, giảm 4,7% so với cùng kỳ 2018. Các địa phương có sản lượng thu hoạch lớn như Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ.
Những tháng đầu năm 2019, giá cá tra nguyên liệu ở mức cao, khoảng 30.000-31.000 đồng/kg; đến tháng 3 giảm còn 25.000 đồng/kg. Các tháng tiếp theo, giá cá tra nguyên liệu giảm liên tục hiện chỉ còn khoảng 19.500-21.500 đồng/kg, giảm từ 5.000-8.000 đồng/kg so với đầu năm và các tháng cuối năm 2018.
Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 15/7/2019, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 1,043 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, Trung Quốc và Hồng Kông là những thị trường có kim ngạch xuất khẩu cá tra đứng đầu, đạt 283,7 triệu USD, chiếm 27,2% thị phần, tăng 4,9% so với cùng kỳ 2018.
Do rào cản kỹ thuật thị trường EU đã dần được tháo gỡ cho doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết, nên xuất khẩu cá tra vào thị trường EU từ đầu năm đến nay đã tăng trưởng trở lại, với kim ngạch xuất khẩu đạt 147,8 triệu USD, chiếm 14,2% thị phần và tăng 16% so với cùng kỳ.
Tại thị trường Nhật Bản, hiện cá tra của Việt Nam khá được ưa chuộng nên 7 tháng qua, sản lượng xuất khẩu tăng 11,6% so với cùng kỳ, đạt đến 18,4 triệu USD. Các thị trường khác như ASEAN cũng tăng 7%, Mêxicô cũng tăng 16,6% so với cùng kỳ 2018.
Tuy nhiên, thị trường Mỹ năm 2018 từng đứng đầu về tỷ trọng xuất khẩu cá tra của Việt Nam nhưng do tác động của kết quả chống bán phá giá POR14 thì trong 7 tháng qua đã giảm xuống vị trí thứ 2, chỉ đạt 156,2 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ 2018.
Vụ Nuôi trồng thuỷ sản – Tổng cục Thuỷ sản cho biết, giai đoạn 2017 – 2018, giá cá tra thương phẩm tăng cao nên người dân và doanh nghiệp phát triển tăng diện tích, mật độ thả nuôi, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng. Tại An Giang, Công ty Nam Việt thả nuôi mới 300 ha trên tổng diện tích đầu tư mới là 600 ha; Công ty Lộc Kim Chi thả nuôi mới 50 ha trên tổng diện tích đầu tư mới 350 ha.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Chuyên viên Vụ Nuôi trồng thuỷ sản chia sẻ, từ đầu tháng 6/2019, thị trường Trung Quốc thắt chặt việc kiểm tra chất lượng, xuất xứ hàng hóa đối với các lô hàng cá tra xuất khẩu qua đường biên mậu theo quy định khiến các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong nước trở tay không kịp.
Giá cá tra thương phẩm hiện đang xuống thấp khiến người nuôi chuyển đổi từ nuôi cá tra sang nuôi các loài thuỷ sản khác hoặc bỏ treo ao. Nếu tình trạng này nếu kéo dài có thể dẫn đến một số hệ lụy, ảnh hưởng đến tăng trưởng ngành và kế hoạch năm 2019; gây hiện tượng thiếu nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu vào các tháng đầu năm 2020 – ông Khoa cảnh báo.
Tại hội nghị, ngành nông nghiệp các tỉnh An Giang, Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre cho biết, hiện việc quản lý nuôi trồng thủy sản, triển khai quy định mới tại địa phương gặp một số khó khăn, vướng mắc. Điển hình là khâu thống kê, cập nhật tình hình sản xuất như: số liệu diện tích thả nuôi, diện tích, sản lượng thu hoạch không được thực hiện thường xuyên và liên tục gây khó khăn trong chỉ đạo sản xuất.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, nhiều địa phương gặp khó trong việc triển khai thực hiện quy hoạch nuôi cá tra; chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu việc đào ao ngoài quy hoạch nên xảy ra tình trạng phát triển nóng trong nuôi cá tra thương phẩm, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Hệ luỵ là giá bán cá xuống thấp.
Hiện nhiều hộ nuôi cá tra chưa tham gia liên kết chuỗi nên không tiếp cận thông tin về thị trường thông qua kênh dư báo thị trường của doanh nghiệp về giá cả, nhu cầu doanh nghiệp xuất khẩu, chất lượng sản phẩm… và phải chịu rủi ro cao khi biến động nhu cầu thị trường.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Long An, Đồng Tháp đồng quan điểm, hiện chất lượng giống cá tra ngày càng suy giảm khiến tỷ lệ hao hụt ở giai đoạn nuôi thương phẩm cao, hiệu quả sản xuất thấp. Bên cạnh đó, liên kết chuỗi trong trong sản xuất cá tra của vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng lớn, do trước đây giá cá tra thương phẩm cao nên tình trạng người nuôi chủ động xin không tham gia liên kết sản xuất.
Một số tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng cảnh báo, hiện thị trường Trung Quốc đang giữ vị trí số 1 nhập khẩu cá tra từ Việt Nam nhưng lại là thị trường không ổn định, nhiều rủi ro. Mặt khác, xuất khẩu cá tra thời gian tới vào Mỹ có thể tiếp tục giảm do ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá POR14 của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Tổng cục Thuỷ sản dự báo, 5 tháng cuối năm 2019, diện tích thả nuôi cá tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ít biến động so với cùng kỳ năm 2018, do giá cá tra và sức tiêu thụ của thị trường sụt giảm nên người dân và doanh nghiệp đã điều chỉnh giảm diện tích thả nuôi hoặc giảm mật độ thả nuôi. Riêng giá cá tra thương phẩm trong những tháng cuối năm 2019 cũng được dự báo có thể tăng nhưng không cao.
Để sản xuất, xuất khẩu cá tra đạt kế hoạch năm 2019, Tổng cục Thuỷ sản yêu cầu các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sớm tổ chức thống kê lại tình hình thả nuôi cá tra từ đầu năm đến nay; đặc biệt diện tích, sản lượng cá đến kỳ thu hoạch. Đồng thời, rà soát, sớm hoàn thành công tác cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi cá tra thương phẩm; kịp thời hướng tuyên truyền hướng dẫn người nuôi các biện pháp kỹ thuật để kéo giãn thời gian thu hoạch (bao gồm cá hương, cá giống và cá thương phẩm) đảm bảo hiệu quả trong sản xuất. Mặt khác, có các biện pháp để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản yêu cầu các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vận động doanh nghiệp trên địa bàn thiết lập lại các hợp đồng liên kết sản xuất; ưu tiên thu mua đối với cá đến kỳ thu hoạch. Đồng thời, khuyến cáo người nuôi chỉ thả nuôi khi đã xác định được đầu ra và không thả nuôi mật độ cao; tăng cường kiểm tra điều kiện đặc biệt tại các cơ sở kinh doanh vật tư đầu vào và cơ sở sản xuất giống; chú trọng quan trắc cảnh báo môi trường.
Đối với thị trường xuất khẩu cá tra, các tỉnh, thành trong khu vực cần tăng cường xúc tiến thương mại tại các thị trường truyền thống và thị trường mới; tiếp tục phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định mới của cơ quan thẩm quyền Trung Quốc; tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp và người nuôi về các quy định tại EVFTA… – ông Luân nhấn mạnh.
Tổng cục Thuỷ sản cũng đề nghị các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục triển khai thực hiện đề án giống cá tra 3 cấp; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án thuộc Đề án sản phẩm quốc gia cá da trơn. Bên cạnh đó, các địa phương có kế hoạch và phân bổ ngân sách để tổ chức thực hiện tốt quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn; nghiên cứu đề xuất để sớm tham mưu UBND tỉnh đưa quy hoạch nuôi cá tra vào quy hoạch sử dụng đất tại địa phương…
Ý kiến ()