Thứ Năm, 28/11/2024 00:39 (GMT +7)

Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng trở lại dù chưa bằng năm trước

Thứ 4, 03/06/2020 | 09:04:00 [GMT +7] A  A

Theo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước đạt 384,8 nghìn tỷ đồng, tăng 26,9% so với tháng trước và giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước.

Người dân mua hàng tại siêu thị AEON Long Biên.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 311,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% so với tháng trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 32,5 nghìn tỷ đồng, tăng 95,8%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 0,4 nghìn tỷ đồng, tăng 780,1%; doanh thu dịch vụ khác đạt 40,8 nghìn tỷ đồng, tăng 91,3%.

Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.913,9 nghìn tỷ đồng, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải nguyên nhân bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm tăng nhẹ, Bộ Công Thương cho rằng do các siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không có biến động về giá, đồng thời người dân có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hình thức mua sắm trực tuyến.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm ước tính đạt 175,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,2% tổng mức và giảm 25,8% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Công Thương nhận định, nhìn chung, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống đã mở cửa trở lại sau giãn cách xã hội, tâm lý người dân đã bớt lo ngại. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước vẫn giảm mạnh, nhu cầu du lịch hè của các gia đình vào thời điểm này chưa cao.

Cùng với đó, doanh thu du lịch lữ hành 5 tháng đầu năm ước tính đạt 8,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng mức và giảm 54,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 12,7%) do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên thế giới, Việt Nam tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài và du lịch nội địa chưa trở lại mạnh mẽ như cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ khác 5 tháng đầu năm ước tính đạt 186,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,8% tổng mức và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Như vậy, xét về tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng thì bán lẻ hàng hóa là động lực chính dẫn dắt sự tăng trưởng của tiêu dùng trong nước.

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại, bên cạnh việc tiếp tục xử lý các vấn đề cấp bách để vừa phòng chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thì yêu cầu đặt ra trong thời gian tới được Bộ Công Thương xác định là xây dựng kế hoạch thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực của ngành Công Thương, khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp – thương mại trong tình hình mới.

Tin, ảnh: Thu Trang/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/kinh-te/ban-le-hang-hoa-va-dich-vu-tang-tro-lai-du-chua-bang-nam-truoc-20200602170112476.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu