Thứ Hai, 25/11/2024 17:52 (GMT +7)

Băng cháy liệu có giúp Trung Quốc tạo ra cuộc cách mạng năng lượng?

Thứ 7, 20/05/2017 | 09:26:00 [GMT +7] A  A

Trung Quốc ngày 18/5 tuyên bố đã lần đầu tiên khai thác được băng cháy dưới độ sâu 1.219 m ở Biển Đông. Liệu thành công này có giúp Trung Quốc tạo ra một bước ngoặt mới trong ngành công nghiệp năng lượng?

Trung Quốc đã khai thác được “băng cháy” dưới Biển Đông.

Theo CNN Money, quốc gia “khát dầu” này đã theo đuổi nguồn năng lượng mới nằm sâu dưới đáy biển và vùng cực gần 20 năm qua. Truyền thông nhà nước dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Đất đai Trung Quốc Jiang Daming đưa tin việc khai thác nguồn “băng cháy” là một bước đột phá quan trọng có thể dẫn đến một cuộc cách mạng năng lượng toàn cầu.

Các chuyên gia đồng ý với ý kiến cho rằng băng cháy có thể là “nhân tố thay đổi cuộc chơi” trong ngành công nghiệp năng lượng, giống như dầu đá phiến của Mỹ.

Tuy nhiên họ cũng lên tiếng cảnh báo những khó khăn, liên quan đến công nghệ và môi trường, cần phải được giải quyết triệt để trong quá trình tạo dựng ngành công nghiệp xoay quanh nguồn năng lượng mới đó.

Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới – không phải là nước đầu tiên muốn khai thác lợi nhuận từ băng cháy. Trước đó, Nhật Bản cũng đã tiến hành khai thác tại Thái Bình Dương và chiết xuất khí gas vào năm 2013. Chính phủ Mỹ cũng có riêng cho mình một chương trình nghiên cứu dài hạn về loại năng lượng mới này.

Băng cháy là một dạng mê-tan chứa trong một cấu trúc tinh thể nước, tạo thành một chất rắn tựa như băng. Theo Cục khảo sát Địa chất Mỹ, băng cháy được cho là chứa nhiều carbon hơn tất cả các loại nhiên liệu trên thế giới này cộng lại.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho biết nguồn năng lượng mới này sẽ trở thành một đối thủ đáng gờm để thay thế các loại chất đốt thông thường như khí đốt tự nhiên hay dầu.

Tuy nhiên giống như những loại nhiên liệu khác, băng cháy gây ra mối lo ngại đáng kể về môi trường. Các chuyên gia lo lắng về việc đốt cháy nhiên liệu mới sẽ sản sinh ra mê-tan – một loại khí gây ra hiệu ứng nhà kính gấp 25 lần so với carbon dioxide.

Theo các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, nguồn khí đốt mới có nhiều tiềm năng tại Trung Quốc, với những lần thành công thử nghiệm và sự hỗ trợ từ chính phủ. Song do giá thành cao, vấn đề về môi trường và các rào cản kỹ thuật, nên những sản phẩm thương mại chế từ nguồn năng lượng này có thể vẫn chưa xuất hiện trên thị trường tiêu thụ trong 3 năm tới.

Ngay sau khi có thông báo về thành tựu mới của chính phủ Trung Quốc, cổ phiếu ngành dịch vụ và thiết bị dầu mỏ tại quốc gia này tăng vọt.

Hồng Hạnh/Báo Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu