Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 27/11/2024 22:48 (GMT +7)
Báo chí đối phó với khủng hoảng sau dịch COVID-19 – Đa dạng hóa nguồn thu, chuyện không đơn giản
Thứ 5, 18/06/2020 | 10:18:00 [GMT +7] A A
Theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) do ảnh hưởng của COVID-19, nhiều nhà quảng cáo đã quyết định trì hoãn các chiến dịch marketing.
Điều này dẫn đến doanh thu từ quảng cáo của các nền tảng số, trong đó có các báo điện tử giảm mạnh. Dự đoán, tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến của Việt Nam có thể sụt giảm từ 15-20% trong tương lai gần. Xét trong dài hạn, doanh thu quảng cáo vẫn sẽ sụt giảm, có thể lên tới 50%, thậm chí là cao hơn nữa so với cùng kỳ năm trước. Đây là khó khăn rất lớn đối với các cơ quan báo chí phụ thuộc lớn vào nguồn thu quảng cáo. Đó là chưa kể, 70% miếng bánh thị phần quảng cáo đã nằm trong tay các nền tảng xuyên biên giới. Mất nguồn thu sẽ đồng nghĩa với việc sa sút nội dung và giảm sự ảnh hưởng của kênh truyền thông chính thống.
Để không phụ thuộc vào nguồn thu quảng cáo, nhiều tòa soạn, cơ quan báo chí đã tìm hướng đi khác, đa dạng hóa nguồn thu; tuy nhiên thực hiện được việc này không hề đơn giản
Khó khăn trong việc thu phí nội dung
Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnamnet Phạm Anh Tuấn cho rằng trong một thế giới đầy rẫy tin giả từ các trang mạng xã hội, ham muốn của người dùng đối với các tin tức chất lượng chưa bao giờ lớn đến vậy. Chính điều này đã tác động đếm xu hướng phát triển của báo chí cũng như làm thay đổi hành vi người dùng. Thay vì viết nội dung nhiều view để “ăn tiền” quảng cáo, báo chí trong nước nên bắt đầu suy nghĩ về việc thay đổi phương thức kinh doanh sang mô hình đăng ký thuê bao. Tuy nhiên, đồng thời với nó là chất lượng nội dung được cải thiện. Sự phát triển của internet mang đến một nguồn thông tin miễn phí khổng lồ và là nguyên nhân khiến doanh thu của nhiều tờ báo bị sụt giảm nghiêm trọng. Để giải quyết tình trạng trên, một số tờ báo đã bắt đầu triển khai hình thức thu tiền online. Điều này được thực hiện bằng cách tạo nên một bức tường phí (paywall) giữa người dùng và nội dung thông tin trên màn hình máy tính. Việc tìm kiếm nguồn thu từ độc giả được thực hiện qua ba mô hình: thu phí cứng, thu phí mềm và bán trả phí.
Nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN) trình bày tham luận tại Diễn đàn. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN
VietnamPlus (trực thuộc TTXVN) là tờ báo điện tử đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam thực hiện việc thu phí đọc nội dung trên nền tảng digital từ ngày 20/6/2018. Mỗi ngày, VietnamPlus mới chỉ phát hành 5-10 bài thu phí, gồm những bài phân tích chuyên sâu, phỏng vấn độc quyền do tòa soạn tự sản xuất hoặc nhượng quyền của các đơn vị báo chí lớn trên thế giới. Những nội dung VietnamPlus đã, đang thực hiện thu phí tập trung vào 4 nội dung chính: chính trị – xã hội, thế giới, kinh tế – công nghệ, văn hóa – thể thao. Báo cũng tách biệt phần thu phí vào địa chỉ http://pay.vietnamplus.vn và miễn phí tại http://vietnamplus.vn. Điều này tránh gây phản cảm cho độc giả chưa quen với việc trả phí đọc báo điện tử nhưng cũng ảnh hưởng đến khả năng quảng bá chéo cho thu phí. Sắp tới báo đã có kế hoạch thay đổi cho phép đọc một phần, tạo nên sự gợi mở để người dùng sẵn sàng trả phí.
Tuy nhiên, Tổng Biên tập VietnamPlus Trần Tiến Duẩn cũng thừa nhận, thực tế chuyện bản quyền ở Việt Nam là vấn đề khó giải quyết trong rất nhiều năm qua. Một bài báo hay vừa đăng ở một báo nào đó ngay lập tức sẽ nhanh chóng bị copy nguyên xi. Nếu một tờ báo nào khóa những bài viết đặc sắc của mình và chỉ cung cấp cho những độc giả đã trả tiền cũng khó khả thi, bởi một website tổng hợp thông tin chỉ cần bỏ ít tiền để vào đọc và “cắt dán” thì ngay lập tức, thông tin này sẽ không còn là ”độc” nữa. Chính vì những nguyên nhân này, dễ hiểu khi xu hướng thu phí độc giả đọc báo điện tử ở Việt Nam dễ bị thất bại “ngay từ trong trứng nước”.
Theo nhà báo Trần Tiến Duẩn, việc thu tiền từ bạn đọc trực tuyến ở Việt Nam hiện nay rất khó nhưng nếu muốn thay đổi cơ cấu doanh thu, các cơ quan báo chí phải bắt tay vào làm. Quan trọng nhất là phải bảo vệ được bản quyền, không để xảy ra tình trạng một bài báo hay bị hàng chục trang mạng khác cắt về, dán lên trang của mình một cách thoải mái. Việc khóa bài, mời mua báo trực tuyến cần phải được tiến hành đồng thời ở nhiều báo mới tạo được hiệu ứng tích cực
Cùng quan điềm này, Tổng Biên tập báo An ninh Thủ đô Nguyễn Thanh Bình cho rằng khó có thể trông chờ vào việc thu phí đọc tin như một nguồn thu đáng kể cho cơ quan báo chí vì hầu hết người đọc báo điện tử ở Việt Nam đã quen và chỉ muốn đọc miễn phí. Số người chấp nhận trả tiền để xem thông tin rất ít. Nhưng điểm mấu chốt là ở chỗ thông tin ở hầu hết báo điện tử ở Việt Nam không còn tính độc quyền. Sự sao chép, chia sẻ nguồn tin khiến các báo đều lên thông tin kịp thời nhưng không còn sự khác biệt. Vấn đề bảo vệ bản quyền của Việt Nam còn rất yếu. Tin bài, kể cả video clip cũng bị copy, xóa, thậm chí đè cả logo bản quyền của các báo điện tử mà hầu như rất ít trường hợp bị xử phạt.
Nhà báo Nguyễn Thanh Bình đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam cần phát huy vai trò, kiến nghị, đưa ra giải pháp hiệu quả trong vấ đề bảo vệ bản quyền thông tin cho các cơ quan báo chí. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cần tăng cường rà soát, kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc các trang thông tin tổng hợp chuyên ”xào xáo” tin bài dù không được sự chấp thuận của các cơ quan báo chí. Chỉ khi có các chế tài đủ mạnh để bảo vệ bản quyền, hướng đi theo cách sản xuất tin tức có thu phí mới được các cơ quan báo chí đầu tư nghiêm túc và mang lại hiệu quả.
Chia sẻ nguồn thu từ các nhà mạng xã hội
Trong thực tế, theo nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí có một nghịch lý đang tồn tại, đó là hiện nay các nhà mạng đang có nguồn thu lớn từ việc người dùng truy cập internet để đọc báo điện tử. Để có một tác phẩm báo chí tốt, chất lượng tới bạn đọc điện tử, tòa soạn báo đã phải bỏ ra rất nhiều khoản chi phí nhưng lại không thu được kinh phí từ việc này. Do đó, cần có chính sách win- win giữa nhà mạng và báo điện tử về vấn đề chia sẻ lợi nhuận. Tổng Biên tập báo An ninh Thủ đô Nguyễn Thanh Bình nêu rõ: Có thể thấy rõ ràng các cơ quan báo chí là nhà sáng tạo nội dung. Tin tức càng nhiều, càng hấp dẫn, lượng đọc, lượng truy cập càng lớn. Từ đó việc sử dụng đường truyền dữ liệu càng lớn và các nhà mạng càng thu được nhiều tiền. Trên thực tế, người truy cập đã phải trả phí mua dung lượng đường truyền cho nhà mạng thì về logic, nhà mạng cũng cần phải chia sẻ nguồn thu này đối với báo chí. Tuy nhiên, chưa có nhà mạng nào thực hiện việc này.
Dẫn chứng từ thực tế nhiều nước trên thế giới, Tổng Biên tập báo điện tử VTC News Ngô Văn Hải cho biết: ngày 20/4, Australia đưa ra thông báo yêu cầu những công ty công nghệ như Google, Facebook phải trả tiền khi sử dụng nội dung từ các đơn vị xuất bản báo chí; đồng thời Bộ quy tắc ứng xử bắt buộc sẽ được ra mắt vào tháng 7/2020 yêu cầu các công ty trả tiền cho đơn vị báo chí truyền thống khi sử dùng tin tức hay nội dung báo chí có liên quan. Trước đó, từ tháng 9/2018, Nghị viện châu Âu cũng thông qua luật cải cách bản quyền, buộc các công ty công nghệ như Google, Facebook phải ngăn chặn người dùng đăng tải các nội dung được bảo vệ bản quyền, đồng thời, chia sẻ doanh thu với người viết hoặc người làm nhạc. Nhiều công ty tin tức lớn ở châu Âu đã vận động để thông qua luật này, cáo buộc Google và Facebook “ăn cướp” doanh thu từ tin tức và quảng cáo của họ.
Nhà báo Ngô Văn Hải cho rằng Google, Facebook và các mạng xã hội đang “ăn dày” trên nội dung của báo chí và các nhà sản xuất nội dung, tin tức, âm nhạc, phim ảnh. Nói một cách cụ thể, khi người dùng tìm kiếm thông tin từ Google, kết quả hiện lên chủ yếu là nội dung do báo chí sản xuất. Trong khi đó, Facebook cũng được phần lớn người sử dụng dùng để đọc tin tức từ báo chí. Các nhà cung cấp dịch vụ di động, internet cũng giàu lên một phần nhờ nội dung của báo chí, nhà sản xuất nội dung, tin tức, phim ảnh. Ý tưởng về việc các nhà mạng sẽ chia sẻ doanh thu với các nhà sản xuất nội dung đã được đưa ra, thậm chí gay gắt trong nhiều năm qua nhưng vẫn không thể thực hiện được vì không có bất kỳ chế tài nào.
Mới đây, ngày 1/6/2020, dự án báo chí của Facebook loan báo, mạng xã hội khổng lồ này sẽ tài trợ 2 triệu USD cho 10 tờ báo thuộc 6 nước ASEAN, trong đó có Bangkok Post, Philippine Daily Inquirer, The Jakarta Post… để thực hiện chuyển đổi hoạt động và kinh doanh. Tuy nhiên, trong danh sách này, không có cơ quan báo chí nào của Việt Nam.
Vấn đề các nhà mạng phải trả tiền cho các cơ quan báo chí đã được đề cập từ lâu và rất gay gắt nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Muốn thu được tiền của Google, Facebook và các mạng xã hội lớn khác cũng như nhà mạng ở Việt Nam, rất cần sự liên minh chặt chẽ, đồng loạt của các cơ quan báo chí. Làm như vậy, dứt khoát phải có sự vào cuộc rốt ráo của Hội Nhà báo Việt Nam trong việc liên kết các cơ quan báo chí lại và có đề xuất với Chính phủ, Quốc hội ban hành các nghị định, luật yêu cầu các mạng xã hội phải trả phí cho báo chí.
Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong trình bày tham luận tại Diễn đàn. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN
Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn kiến nghị nếu có thể, Nhà nước nghiên cứu giải pháp chính sách điều hướng một phần doanh số quảng cáo, truyền thông từ các mạng xã hội (chủ yếu là của nước ngoài) trở lại thị trường quảng cáo, truyền thông trong nước; có chính sách bắt buộc hoặc thuyết phục các nhà mạng chia sẻ cho báo chí phần lợi nhuận từ dịch vụ cung cấp internet cho những bạn đọc báo điện tử.
Phúc Hằng (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/bao-chi-doi-pho-voi-khung-hoang-sau-dich-covid19-bai-2-da-dang-hoa-nguon-thu-chuyen-khong-don-gian-20200618070325208.htm
Ý kiến ()