Thứ Sáu, 04/07/2025 05:37 (GMT +7)

Bảo đảm quyền lợi của người dân khi địa giới hành chính thay đổi

Thứ 5, 03/07/2025 | 21:49:14 [GMT +7] A  A

Việc sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính là chủ trương lớn nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy KT-XH phát triển. Trong quá trình triển khai, thực hiện, các cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt chú trọng đến việc bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân - yếu tố quyết định sự đồng thuận, ủng hộ và thành công của công cuộc đổi mới bộ máy hành chính.

Giao dịch hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (cơ sở 2)
Giao dịch hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (cơ sở 2)

Gần dân để phục vụ tốt hơn

Mục tiêu quan trọng và lớn nhất của mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tăng nguồn lực đầu tư xã hội, xây dựng chính quyền địa phương gần dân, sát dân, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Khi có chủ trương sáp nhập tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An thành tỉnh Tây Ninh mới, trung tâm chính trị - hành chính tỉnh đặt tại địa bàn tỉnh Long An cũ, một trong những băn khoăn, lo lắng của người dân tỉnh Tây Ninh cũ đó là khoảng cách địa lý xa gây khó khăn trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

Sau khi chính quyền địa phương mới đi vào vận hành chính thức, những lo lắng, băn khoăn này đã được giải quyết. UBND tỉnh duy trì song song 2 Trung tâm Phục vụ hành chính công (TTPVHCC) cấp tỉnh, trong đó cơ sở 1 đặt tại địa chỉ số 2 đường Song Hành, phường Long An và cơ sở 2 đặt tại địa chỉ số 83 đường Phạm Tung, phường Tân Ninh để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu giao dịch hành chính.

Anh Nguyễn Văn Hiếu (xã Lộc Ninh) cho biết: “Hôm nay, tôi đến TTPVHCC tỉnh để làm thủ tục trả con dấu của đơn vị cũ.

Trong ngày hoạt động đầu tiên của mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, tôi thấy số lượng người đến làm thủ tục khá đông nhưng đội ngũ cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn nhiệt tình và thủ tục được giải quyết khá nhanh chóng.

Việc duy trì cơ sở 2 của TTPVHCC tỉnh tại địa bàn Tây Ninh cũ tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí rất lớn cho các tổ chức, cá nhân”.

Người dân xem các bộ thủ tục hành chính được niêm yết tại trụ sở UBND xã Hòa Hội
Người dân xem các bộ thủ tục hành chính được niêm yết tại trụ sở UBND xã Hòa Hội

Đối với chính quyền cấp xã, trong giai đoạn đầu vận hành, hầu hết các phường, xã bố trí nhiều trụ sở làm việc (trụ sở làm việc của khối Đảng, HĐND, MTTQ, các đoàn thể, khối UBND và trụ sở TTPVHCC).

Các địa chỉ trụ sở làm việc của xã, phường mới được các địa phương thông tin rộng rãi qua nhiều kênh tuyên truyền trực quan và trực tuyến để các tổ chức, cá nhân và người dân biết.

Cách làm này vừa giúp tận dụng các trụ sở làm việc, cơ sở vật chất hiện có, tránh lãng phí, vừa để bảo đảm công tác quản lý nhà nước tại các địa bàn sáp nhập, giảm bớt khó khăn trong việc đi lại và không ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.

Các địa phương bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, nhân sự, tổ chức vận hành thử nghiệm mô hình tổ chức chính quyền địa phương mới nhất là bảo đảm vận hành thông suốt thủ tục hành chính ngay trong ngày đầu vận hành.

Ông Hoàng Quang Sơn - cán bộ hưu trí ngụ xã Châu Thành, chia sẻ: “Sáng ngày 01/7/2025, tôi có mặt tại TTPVHCC phường Tân Ninh để làm thủ tục định danh mức 2. Tôi được cán bộ Công an phường hướng dẫn rất tận tình, rõ ràng.

TTPVHCC được bố trí ở những địa bàn trung tâm, tuy phải đi xa hơn so với đến trung tâm xã cũ trước đây nhưng tôi thấy mọi thứ vẫn ổn và quan trọng là việc giải quyết thủ tục hành chính cũng như khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bây giờ không còn phân biệt địa giới hành chính”.

Giao dịch hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Tân Ninh
Giao dịch hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Tân Ninh

Ông Sơn cũng bày tỏ sự tin tưởng về chủ trương tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ mang lại những đổi mới thực sự về tinh thần chính quyền phục vụ.

Thời gian tới, những khó khăn, vướng mắc dần sẽ được các cấp chính quyền điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi cho người dân và giúp bộ máy chính quyền mới vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả hơn. “Bởi vì làm gì thì làm, cuối cùng cũng là để phục vụ cho dân tốt hơn và để quê hương, đất nước mình ngày càng phát triển hơn” - ông Sơn nói.

Chính quyền sát dân, vì dân

Chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính là cần thiết nhằm khắc phục tình trạng manh mún, chồng chéo trong quản lý, sử dụng nguồn lực không hiệu quả. Thực tế cho thấy, sau sáp nhập, nhiều địa phương tinh gọn được bộ máy, tiết kiệm chi ngân sách; đồng thời, mở rộng không gian phát triển, tạo điều kiện tốt hơn để thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Việc thay đổi địa giới hành chính kéo theo những thay đổi về thủ tục hành chính, hồ sơ giấy tờ, địa chỉ cư trú, các loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản,...

Nếu không được giải quyết kịp thời, thấu đáo sẽ gây khó khăn cho người dân trong quá trình giao dịch, học tập, khám, chữa bệnh, làm thủ tục hành chính,...

Chị Huỳnh Thị Gái (phường Long An) chia sẻ: “Khi địa phương thông báo sáp nhập xã, phường, ban đầu tôi cũng băn khoăn vì không biết giấy tờ nhà đất, hộ khẩu có phải làm lại không. May mắn là chính quyền địa phương tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể nên tôi hiểu rõ và an tâm hơn”.

Phường Long An - đơn vị hành chính mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất các phường: 1, 3, 4, 5, 6, xã Hướng Thọ Phú và một phần xã Bình Thạnh
Phường Long An - đơn vị hành chính mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất các phường: 1, 3, 4, 5, 6, xã Hướng Thọ Phú và một phần xã Bình Thạnh

Bên cạnh đó, nhiều nơi còn linh hoạt giữ nguyên tên gọi truyền thống của địa phương cũ nhằm bảo đảm yếu tố lịch sử - văn hóa, tránh gây xáo trộn tâm lý người dân. Việc bố trí cán bộ cũng được cân nhắc hài hòa, bảo đảm tính kế thừa và đoàn kết nội bộ sau khi hợp nhất đơn vị.

Tinh thần xuyên suốt của việc sắp xếp đơn vị hành chính là hướng tới một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, phục vụ nhân dân nhanh chóng, minh bạch hơn. Để đạt được điều đó, ngoài yếu tố pháp lý, tổ chức bộ máy, công nghệ,... yếu tố con người vẫn là then chốt.

Cán bộ cơ sở cần phát huy vai trò “cầu nối” giữa chính quyền và người dân, lắng nghe, giải quyết kịp thời các thắc mắc, khiếu nại phát sinh; đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu dân cư để giảm phiền hà trong việc thay đổi thông tin cá nhân sau khi địa giới điều chỉnh.

Khi chính quyền cơ sở đồng hành, hướng dẫn, giải thích rõ ràng, người dân sẽ đồng thuận, thậm chí còn tích cực tham gia góp ý, hiến kế để xây dựng đơn vị hành chính mới phát triển nhanh và bền vững hơn.

Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước - Nguyễn Châu Kim Ngân cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, các cấp, các ngành, địa phương quán triệt rõ quan điểm: Mọi thay đổi về tổ chức bộ máy phải vì mục tiêu phục vụ nhân dân tốt hơn. Do đó, địa phương chủ động xây dựng phương án hỗ trợ người dân khi điều chỉnh địa giới hành chính.

Các tổ công tác hướng dẫn người dân cập nhật thông tin mới được thành lập. Xã cũng từng bước rà soát lại hồ sơ đất đai, hộ tịch, giáo dục, y tế nhằm bảo đảm quyền lợi của học sinh, người dân khám, chữa bệnh, chính sách an sinh không bị gián đoạn”.

Bảo đảm quyền lợi của người dân không chỉ là trách nhiệm mà còn là thước đo hiệu quả trong quá trình thay đổi địa giới hành chính. Mỗi bước chuyển mình về tổ chức cần đặt con người làm trung tâm - đó là nền tảng để xây dựng chính quyền gần dân, sát dân và vì dân./.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương - Phương Thúy

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu