Thứ Hai, 25/11/2024 15:56 (GMT +7)

Bảo tồn sân chim lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long

Thứ 4, 05/07/2017 | 10:00:00 [GMT +7] A  A

Vườn cò Bằng Lăng (Cần Thơ) được mệnh danh là “sân chim lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long” với diện tích 15.000 m2, là nơi sinh sống của khoảng 150.000 con, gồm nhiều chủng loại cò.

Đây là “điểm đến” du lịch nổi bật của vùng, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng lượng khách tới càng đông, lượng cò tại vườn càng giảm, cộng với chất lượng dịch vụ chưa hoàn thiện, khiến thương hiệu vườn cò Bằng Lăng chưa thể phát triển xứng tầm, dù có lợi thế về nguồn tài nguyên quý giá. Vì thế, thành phố Cần Thơ đã đề ra nhiều giải pháp quy hoạch đồng bộ để bảo tồn và phát triển sân chim này.

Vườn cò Bằng Lăng, nơi sinh sống của khoảng 150.000 con.

Vườn cò Bằng Lăng tọa lạc tại ấp Thới An, phường Thuận An, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Từ trung tâm thành phố, theo Quốc lộ 91B hướng về thành phố Long Xuyên (An Giang) khoảng 60km, sẽ gặp cầu Bằng Lăng, rẽ trái chừng 2km là tới vườn cò.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thuyền, chủ vườn cò Bằng Lăng, được người dân địa phương gọi bằng cái tên thân mật “Bảy Cò”, ban đầu vườn chỉ rộng 3.600 m2, chủ yếu là cây tre trúc, phần lớn đất dành để trồng lúa. Năm 1983, một đàn cò ma, loại cò nhỏ, mình đen, cánh màu xám trắng, đông tới hàng trăm con đã bay về đậu kín một góc vườn nhà ông.

Thấy lạ, ông không xua đuổi mà dặn người nhà không được lại gần, tránh làm cò sợ. Tuy vậy, ít lâu sau chúng đột ngột bỏ đi cả đàn và gần một năm sau, mới thấy chúng quay trở lại. Lần này, chúng kéo theo đám “bạn” mới gần chục loại cò khoảng 10.000 con, với đủ kích cỡ. Thấy cò kéo đến ngày càng nhiều, ông đã bàn với các thành viên trong gia đình trồng thêm cây cối, rào chắn vườn lại để ngăn chặn người lạ vào bắt cò, phá tổ.

Đồng thời, ông tích cóp tiền mua thêm đất các nhà lân cận để mở rộng vườn. Đến nay vườn cò được mở rộng 15.000 m2, với số lượng khoảng 150.000 con; trong đó, hơn 80% là giống cò ruồi lông trắng, mỏ vàng, chân đen, mỗi con nặng chừng 400 – 500g. Ngoài ra, còn rất nhiều loại cò khác như: cò cá, cò đúm, cò sen, cò ngà, cò ma, cò quắm, cò xanh, cò lép… Loại nhỏ nhất là cò lép, nặng chừng 150g. Lớn nhất là cò ngà, cò quắm nặng đến 1,2 kg.

Bà Trần Huỳnh Anh, Trưởng Phòng Văn hóa quận Thốt Nốt cho biết, lượng du khách đến tham quan vườn cò nhà ông Bảy Cò ngày một đông, đặc biệt trong những dịp lễ, hè. Vốn không có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch, ông Bảy Cò chỉ điều hành “khu du lịch” của mình theo mô hình hộ gia đình. Vì thế, quận và thành phố đã và đang có nhiều đề án hỗ trợ, quy hoạch, nhằm đưa du lịch vườn cò Bằng Lăng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, an toàn cho du khách, lợi nhuận cho chủ hộ.

Cò làm tổ trên các ngọn cây.

Trước hết, đó là sự đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng. Trước đây, đường vào vườn cò nhỏ hẹp chỉ phù hợp với phương tiện xe hai bánh. Đến mùa nước lớn, du khách có thêm lựa chọn di chuyển bằng ghe, xuồng… để vào vườn cò. Hiện nay, đường dẫn vào vườn cò đã được mở rộng và bê tông hóa sạch đẹp, ô tô có thể chạy tới tận nơi. Điều này giúp cho lượng khách tham quan đến vườn cò ngày càng nhiều.

Điểm đặc biệt của con đường dẫn vào khu du lịch, đó là dù con đường được bê tông hóa, nhưng đề án quy hoạch vẫn cố gắng giữ lại nét chân quê, mộc mạc cho hài hòa trong tổng thể bức tranh chung về một khu du lịch sinh thái. Đó là những hàng tre xanh mát uốn lượn dọc con đường, ôm theo dòng kênh Bằng Lăng dẫn vào vườn cò. Từ xa, giữa màu xanh của tre trúc, đã có thể nhìn thấy từng đàn cò trắng bay lượn, tiếng vỗ cánh, tiếng kêu gọi nhau vui tai.

Ngoài ra, bằng nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển du lịch thành phố Cần Thơ, vườn cò Bằng Lăng còn được đầu tư nâng cấp các phương tiện, dịch vụ phục vụ du khách tham quan. Nổi bật là việc xây dựng các đài quan sát để khách có thể thỏa sức ngắm cò, lưu giữ những khoảnh khắc đẹp mà không làm xáo trộn môi trường sinh sống của cò.

Hệ thống nhà vệ sinh đã được xây dựng theo chuẩn du lịch, nhằm “tăng điểm” cho khu du lịch trong mắt du khách, nhất là khách nước ngoài. Vườn cò Bằng Lăng còn là điểm luôn được Phòng Văn hóa quận Thốt Nốt đưa vào các chương trình xúc tiến du lịch, giúp du khách biết đến ngày một nhiều. Việc kết nối tour, tuyến với các công ty lữ hành đưa du khách đến vườn cò được các cấp quản lý du lịch từ thành phố đến quận, huyện thực hiện thường xuyên một cách có hiệu quả.

Ông Bảy Cò chia sẻ, nhờ có sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, gia đình ông đã hiểu rõ hơn trách nhiệm của người gìn giữ “kho báu trời cho” trong phát triển du lịch sinh thái vườn cò. Thông qua những lớp tập huấn, những chuyến đi thực tế tham quan các mô hình ở các tỉnh bạn, gia đình ông đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm nâng cấp vườn cò, dẫn dụ cò đến sinh sống và đẻ con ngày một nhiều hơn.

Đồng thời, ông và các cán bộ đã vận động các hộ dân lân cận không bẫy bắt cò. Thay vào đó là liên kết để tạo thành chuỗi cung cấp dịch vụ, như: giữ xe, cho thuê ống nhòm, chèo ghe dọc kênh ngắm cò… Bên cạnh đó, vừa qua, gia đình ông Bảy Cò đã được địa phương hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay hơn 1 tỷ đồng với lãi suất thấp để mở rộng, phong phú thêm các dịch vụ du lịch.

Bằng nguồn vốn này, cùng với sự hướng dẫn của các chuyên gia, ông Bảy Cò cho biết, gia đình ông sẽ hướng tới việc mua thêm đất mở rộng vườn cò, khai thông hệ thống kênh rạch, trồng thêm cây. Về định hướng phát triển lâu dài, gia đình ông sẽ nghĩ đến các mô hình du lịch homestay, du lịch trải nghiệm khi du khách có thể cùng tham gia vào việc giải cứu cò non bị rơi khỏi tổ, đưa cò lên lại tổ trên những cành cây, chăm sóc cò bị thương… nhưng phải đảm bảo an ninh, an toàn, nhất là không làm cò hoảng sợ mà bay đi mất…

Bài và ảnh: Ánh Tuyết (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu