Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 29/11/2024 05:54 (GMT +7)
Bảo tồn văn hóa, chữ viết – gìn giữ diện mạo văn hóa riêng của mỗi dân tộc
Thứ 6, 04/12/2020 | 15:41:00 [GMT +7] A A
Những năm qua, đi đôi với phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, sự nghiệp giáo dục – đào tạo, y tế, đào tạo nghề, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống cùng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai đồng bộ, hiệu quả ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Khẳng định vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam trong hành trình đấu tranh vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Nhờ sức đoàn kết đấu tranh chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói nữa. Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng phải đoàn kết hơn nữa…”.
Không chỉ có nhiều đóng góp to lớn trong quá trình đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc, ngày nay đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn luôn chung sức, đồng lòng cùng xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh. Những năm qua, đi đôi với phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, sự nghiệp giáo dục – đào tạo, y tế, đào tạo nghề, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống cùng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai đồng bộ, hiệu quả ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần nâng cao nhận thức, mức độ hưởng thụ văn hóa, mặt bằng dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, xóa bỏ các hủ tục tập quán lạc hậu.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc của các dân tộc thiểu số tại Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2020. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân
Để gìn giữ giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, các cấp, ngành, địa phương đã quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới nội dung hoạt động sưu tầm, kiểm kê, trưng bày hiện vật để phát huy giá trị di sản văn hóa ở 3 bảo tàng cấp Trung ương và 65 bảo tàng cấp tỉnh. Nhiều địa phương đầu tư ngân sách, huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện các đề án, dự án bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống hiệu quả. Địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi được cấp có thẩm quyền công nhận 4 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích lịch sử văn hóa. Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng 559 nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của nhiều dân tộc thiểu số ngày càng được chú trọng.
Nhờ sự hưởng ứng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, một số phong tục tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ. Hằng năm, nhiều ngày hội văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của các dân tộc đặc trưng được tổ chức ở từng vùng, miền.
Thực hiện hiệu quả Chương trình đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, đến nay, 95% số xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi được phủ sóng phát thanh truyền hình; xây dựng được hơn 16.000 điểm bưu điện văn hóa xã, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc đa dạng của người dân.
Chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc được chú trọng hơn, tăng cả số lượng đài và thời lượng phát sóng. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC và đài phát thanh, truyền hình các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số đều phát chương trình nhiều thứ tiếng dân tộc phù hợp với văn hóa của từng vùng, miền; riêng kênh VTV5 Đài Truyền hình Việt Nam đã sản xuất, phát sóng 22 thứ tiếng dân tộc thiểu số.
Với các ấn phẩm báo chí phong phú, đa dạng gồm gần 100 tờ báo viết, 200 trang thông tin điện tử cùng hàng triệu tờ báo/tạp chí của 18 ấn phẩm báo chí cấp không thu tiền ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã được góp phần chuyển tải đến với đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân.
Cùng với công tác văn hóa, sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được kết quả đáng khích lệ về cả quy mô, mạng lưới và chất lượng. Hiện có 5.766 trường mầm non và 100% số trường, nhóm lớp thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới. Các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi đều được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập trung học cơ sở.
Sáu thứ tiếng dân tộc thiểu số gồm tiếng Mông, Chăm, Khmer, Gia Rai, Ba Na, Ê Đê đã được triển khai dạy và học cho gần 185.000 học sinh phổ thông của 21 tỉnh/thành trong cả nước. Ngoài ra, còn có 6 thứ tiếng dân tộc thiểu số khác gồm: Hoa, Thái, Cơ Tu, Tà Ôi, PaKo, MNông đang được dạy thực nghiệm tại nhiều tỉnh/thành trong cả nước, với hàng trăm lớp và hàng chục nghìn học sinh.
Công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm, trung bình mỗi năm huy động được khoảng 30 nghìn người từ 15-60 tuổi tham gia các lớp học xóa mù chữ.
Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2010 đến nay, các dân tộc thiểu số rất ít người (dân số dưới 10 nghìn người) đã được ưu tiên tuyển sinh, thực hiện chế độ cử tuyển, hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên, góp phần đáng kể trong việc cải thiện chất lượng nhân lực của các dân tộc này.
Song song với giáo dục – đào tạo, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, phát triển cả về mạng lưới, đội ngũ. Chất lượng khám chữa bệnh đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân, nhất là công tác y tế dự phòng; phòng, chống lây lan các bệnh truyền nhiễm. Đến nay, vùng dân tộc thiểu số và miền núi có 99,5% số xã có trạm y tế; 83,5% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, tăng gấp gần 2 lần so với năm 2015 (45,8%); 93% người dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế…
Nhờ xây dựng căn cơ hệ thống y tế dự phòng từ Trung ương đến cơ sở, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cùng với cả nước đã kiểm soát, phòng, chống hiệu quả đại dịch COVID-19, tạo nên hình ảnh một Việt Nam đoàn kết, thông minh, sáng tạo, nhân ái, được bạn bè thế giới ghi nhận, nể phục.
Chung tay gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm trên 30% dân số của toàn tỉnh. Đây cũng là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời và là vùng có sự cộng cư của ba dân tộc chủ yếu: Kinh, Khmer, Hoa. Qua nhiều thế kỷ cùng sinh sống, các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã có sự giao thoa với nhau về văn hóa, lai chủng về mặt tộc người, vay mượn, sử dụng lẫn nhau về ngôn ngữ, hình thành một diện mạo văn hóa riêng của tỉnh Sóc Trăng: đa dạng, phong phú, đặc sắc.
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các chính sách về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào Khmer, trong những năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã huy động các nguồn lực đẩy mạnh đầu tư thực hiện các chương trình, dự án nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại vùng có đông đồng bào Khmer. Tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh công tác dạy và học tiếng Khmer; duy trì tổ chức tốt các hoạt động văn hóa nghệ thuật, các lễ hội truyền thống.
Tuy nhiên, theo Thượng tọa Trần Văn Tha, Ủy viên Thường trực Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kế thừa, phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn. Việc tổ chức sưu tầm, biên soạn, giới thiệu các loại hình văn hóa nghệ thuật còn hạn chế do thiếu nhân sự chuyên nghiệp, chịu sự tác động của nền kinh tế thị trường, sự ảnh hưởng của nền văn hóa ngoại lai.
Một số sắc thái văn hóa cổ truyền chưa được khôi phục hoặc khôi phục chưa tương xứng, mới chỉ chú trọng về hình thức, nghi lễ tôn giáo, chưa chú ý đúng mức đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong lễ hội. Bên cạnh đó, một số nét văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer đang dần bị mai một do thiếu nghệ sĩ, nghệ nhân để bảo tồn, phát huy. Việc dạy và học chữ Khmer còn bất cập, thiếu sách giáo khoa, thiếu đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Để thực hiện công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer trên địa bàn, tỉnh Sóc Trăng đã ưu tiên triển khai nhiều giải pháp. Theo đó, bên cạnh việc dạy song ngữ Việt – Khmer tại các trường công lập trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 82/2010/NĐ-CP quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh đã vận động 92 chùa Phật giáo Nam Tông Khmer trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì truyền thống mở các lớp dạy chữ Khmer, Pali-Vini miễn phí cho sư sãi và đồng bào Khmer. Các sư sãi, người có chức sắc, uy tín trên địa bàn tỉnh tham gia giảng dạy, vận động đồng bào tạo điều kiện thuận lợi cho con em tham gia học chữ Khmer vào dịp hè; hỗ trợ kinh phí để các sư sãi đi học các lớp Pali tại chùa, học nâng cao tại Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ.
Ngày 6/12/2019, Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết về quy định chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy tiếng và chữ Khmer vào dịp hè; tiếng và chữ tiếng Hoa tại các trường ngoài hệ thống các trường công lập trên địa bàn tỉnh. Thượng tọa Trần Văn Tha cho rằng, việc ban hành Nghị quyết đã tạo động lực thúc đẩy hơn nữa công tác giảng dạy tiếng Khmer tại Sóc Trăng, qua đó, góp phần thực hiện tốt hơn chính sách giữ gìn, phát huy tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số; tạo sự tác động, hỗ trợ tích cực đối với công tác bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa.
Dù đã ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng với niềm đam mê bản sắc văn hóa dân tộc, nghệ nhân Sầm Văn Dừa, người có uy tín tại thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang vẫn luôn miệt mài với công tác lưu giữ, bảo tồn, truyền dạy văn hóa truyền thống của dân tộc Cao Lan (Sán Chay). Trên cương vị là trưởng thôn Mãn Hóa, nghệ nhân Sầm Văn Dừa thường xuyên vận động nhân dân tham gia thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình; tập hợp, thành lập đội văn nghệ, mạnh dạn kết hợp các nghi lễ truyền thống, sân khấu hóa thành các tiết mục văn nghệ, thực hành biểu diễn trong các dịp lễ tại địa phương.
Từ năm 1998 đến nay, đội văn nghệ do ông Sầm Văn Dừa thành lập đã có gần 30 tiết mục tham gia các hội thi, hội diễn từ địa phương tới toàn quốc, trong đó có thành tích đoạt 3 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 2 giải A, 1 giải C, 2 giải Khuyến khích, 8 lần tham gia Ngày hội văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc. Với những lớp học kết hợp sinh hoạt văn nghệ của mình, nghệ nhân Sầm Văn Dừa đã truyền dạy được 4 thế hệ diễn viên, với gần 100 người biết hát, múa các bài hát múa dân gian truyền thống của dân tộc Cao Lan; cung cấp tư liệu giúp 5 sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp Đại học; dịch và cung cấp tài liệu cho 4 người bảo vệ thành công luận án tiến sĩ đề tài về văn hóa truyền thống của dân tộc Cao Lan.
Nghệ nhân Sầm Văn Dừa khẳng định, những kết quả đó không chỉ là niềm tự hào của cá nhân ông, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, tạo nên phong trào văn hóa, văn nghệ sâu rộng trong quần chúng nhân dân, góp phần tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc theo đúng chủ trương của Đảng.
Thành công từ việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cũng giúp ông có được sự tin tưởng trong cộng đồng đồng bào dân tộc Cao Lan nói chung và địa phương nơi nghệ nhân Sầm Văn Dừa đang sinh sống nói riêng. Nhiều năm liền, ông được nhân dân tín nhiệm bầu là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
https://baotintuc.vn/van-hoa/bao-ton-van-hoa-chu-viet-gin-giu-dien-mao-van-hoa-rieng-cua-moi-dan-toc-20201204113349794.htm
Ý kiến ()