Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 29/11/2024 21:30 (GMT +7)
Bảo vệ cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch COVID-19
Thứ 5, 03/12/2020 | 16:44:00 [GMT +7] A A
Liên hợp quốc (LHQ) gọi những người khuyết tật là “cộng đồng thiểu số lớn nhất thế giới”, bởi theo thống kê, trên toàn cầu cứ 7 người lại có một người khuyết tật.
Người dân lấy nước tại Lalari Karfi, Niger. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Dân số toàn cầu hiện khoảng 7,5 tỷ người, trong đó, hơn 1 tỷ là người khuyết tật, tương đương 15% dân số thế giới. Đây chính là nhóm dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất do đại dịch COVID-19.
Tại khu dân cư tự phát Hopley ở thủ đô Harare của Zimbabwe, cô Nyarai Mudavanhu, 27 tuổi, một tay đỡ xô nước trên đầu, tay kia chống nạng vì một chân bị tật, phải chen lấn giữa hàng dài người xếp hàng chờ để được lấy nước. Hạn hán đã khiến các giếng khoan trong khu dân cư này cạn nước, Mudavanhu mỗi ngày mất tới 3 giờ xếp hàng mới lấy được nước. Khi đại dịch làm trầm trọng thêm tình cảnh khó khăn của những khu dân cư nghèo, những người khuyết tật như Mudavanhu hầu như không có cơ hội được tiếp cận với nguồn nước sạch và an toàn hơn, chứ chưa nói tới thiết bị vệ sinh, sát khuẩn để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Nick Sinacori, 25 tuổi sống tại West Simsbury, bang Connecticut (Mỹ), bị thiểu năng trí tuệ và tự kỷ. Năm nay, lần đầu tiên anh phải xa cha mẹ, sống một mình do tác động của đại dịch, mặc dù những người thiểu năng trí tuệ nói riêng và những người khuyết tật nói chung được khuyến khích sống với các thành viên trong gia đình hoặc tăng cường tiếp xúc để hòa nhập cộng đồng. Các hướng dẫn hạn chế tiếp xúc nhằm ngăn sự lây lan của virus SARS-CoV-2,vô hình trung, lại khắc sâu tâm lý “bị cô lập”, “bị bỏ quên” trong những người khuyết tật, càng khiến tinh thần những người như Sinacori chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Cùng với đó, nguy cơ về sức khỏe cũng gia tăng.
Đối với cô bé Rose Hayes, 8 tuổi, sống tại Woonsocket, bang Rhode Island (Mỹ) bị khuyết tật trí tuệ, việc trường học ở Mỹ phải đóng cửa khiến em mất đi cơ hội học trực tiếp cùng nhóm giáo viên và các chuyên gia trị liệu đặc biệt, vốn được đào tạo kỹ lưỡng để hỗ trợ những người như Rose có thể nhận thức và tiếp thu tốt giáo trình học tập. Khoảng 7 triệu thanh thiếu niên khuyết tật ở Mỹ trong độ tuổi từ 3 đến 18 được tiếp nhận các dịch vụ giáo dục đặc biệt như vậy đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi hầu hết rất khó thích ứng với các phương thức học tập mới, các bài học thực hành và quản lý về mặt hành vi theo hướng dẫn qua màn hình máy tính.
Người phát ngôn Cơ quan Dịch vụ phát triển dành cho người khuyết tật Mỹ Krista Ostaszewski cho biết virus SARS-CoV-2 đã tạo ra những thách thức chưa từng có không chỉ với những người khuyết tật mà còn cả những đơn vị hỗ trợ người khuyết tật.
Ông Stephen Morris, Giám đốc điều hành Favarh, chi nhánh của The Arc. – tổ chức của cộng đồng người khuyết tật trí tuệ lớn nhất tại Mỹ, chia sẻ trong những ngày đầu đại dịch, Favarh đã phải tạm dừng hầu hết các chương trình và các trung tâm việc làm dành cho người khuyết tật. Ngay cả khi lệnh cách ly đã được nới lỏng, các chương trình hỗ trợ người khuyết tật khởi động lại thì cũng rất ít người tham gia, bởi nhiều người sức khỏe đã sa sút nghiêm trọng sau thời gian dài do không thể tiếp cận các dịch vụ y tế hoặc không thể đeo khẩu trang.
Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, những người khuyết tật vốn đã được đánh giá là nhóm dễ bị tổn thương nhất vì đa số người khuyết tật là phụ nữ, trẻ em và người trên 60 tuổi. Ngay cả trong những trường hợp bình thường, người khuyết tật cũng ít được tham gia vào cộng đồng và tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, việc làm. Những người khuyết tật thường có thể trạng yếu hơn, tỷ lệ hoàn thành giáo dục thấp hơn, cơ hội kinh tế ít hơn và tỷ lệ nghèo đói cao hơn những người bình thường.
Như ở Ấn Độ, chênh lệch về tỷ lệ trẻ em khuyết tật học tiểu học so với trẻ không bị là 10%, và ở Indonesia lên tới 60%. Nguyên nhân được cho là do thiếu các dịch vụ sẵn có như công nghệ thông tin và truyền thông, pháp lý, vận tải… Cùng với đó là những rào cản mà người khuyết tật vẫn phải đối mặt hằng ngày từ môi trường cho tới các chính sách, luật pháp, thái độ xã hội…, mặc dù chính phủ nhiều nước đã rất nỗ lực hỗ trợ để giúp người khuyết tật tham gia đầy đủ vào cuộc sống xã hội và hưởng các lợi ích cộng đồng.
Cuộc khủng hoảng toàn cầu mang tên COVID-19 lại đang khiến những nỗ lực ấy “đổ sông đổ bể”, như Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã cảnh báo “Đại dịch đang làm gia tăng sự bất bình đẳng và gây ra những mối đe dọa mới”. COVID-19 đang nới rộng hơn những bất bình đẳng cố hữu, bộc lộ sự kỳ thị và càng cho thấy rõ hơn nỗ lực đưa người khuyết tật hòa nhập cộng đồng là vô cùng cấp thiết.
LHQ đánh giá hơn 1 tỷ người khuyết tật trên thế giới hiện đang nằm trong số những nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch này. Những người khuyết tật có nguy cơ dễ mắc COVID-19 hơn, tình trạng sức khỏe chuyển biến nghiêm trọng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn nếu không may mắc bệnh. Họ cũng phải đối mặt với các nguy cơ không thể tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong suốt giai đoạn dịch bệnh bùng phát mạnh. Đặc biệt là những khó khăn mà “cộng đồng thiểu số lớn nhất thế giới” phải đối mặt do hệ quả từ đại dịch và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh gây ra đối với kinh tế xã hội, bao gồm nguy cơ mất việc làm và bảo trợ xã hội, không còn cơ hội tiếp cận với giáo dục, các dịch vụ hỗ trợ và đối mặt với bạo lực.
LHQ năm nay đã lựa chọn chủ đề “Xây dựng lại tốt hơn: Hướng tới một thế giới sau COVID-19 hòa nhập khuyết tật, dễ tiếp cận và bền vững” cho ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12. Chủ đề này là sự tiếp nối Chiến lược Hòa nhập cộng đồng của LHQ, được khởi động từ tháng 6/2019 với mục tiêu xây dựng nền tảng cho tiến trình bền vững và mang tính chuyển đổi về hòa nhập người khuyết tật thông qua tất cả các trụ cột hoạt động của LHQ. Đây cũng là tinh thần của Công ước về Quyền của người khuyết tật (CRPD), được thông qua năm 2006, giúp nâng cao hơn nữa quyền và hạnh phúc của người khuyết tật trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững và các khuôn khổ phát triển quốc tế khác.
Điểm nhấn của chuỗi hoạt động năm nay do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) triển khai, trong đó có chiến dịch nâng cao nhận thức toàn cầu: “Kể chuyện của chúng ta, thúc đẩy quyền của chúng ta” trên các kênh truyền thông xã hội chính thức của UNESCO, trong đó tập trung vào những tác động của đại dịch COVID-19 đối với người khuyết tật và phản ứng tức thời với cuộc khủng hoảng thông qua vận dụng rộng rãi, sáng tạo, toàn diện các giải pháp, công cụ và các nguồn kỹ thuật số.
Mục tiêu của LHQ là thúc đẩy và tạo cơ hội cho sự hòa nhập của người khuyết tật, giúp họ ứng phó và phục hồi sau đại dịch COVID-19, ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của virus để có một sự bắt đầu lại tốt hơn. Trong bối cảnh COVID-19 gây ra cuộc khủng hoảng sâu rộng chưa từng có mà người khuyết tật nằm trong nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất, LHQ cho rằng cộng đồng quốc tế cần những phản ứng chưa từng có – sự hỗ trợ hay cam kết chính trị với quy mô chưa từng có – để đảm bảo rằng người khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu, bao gồm các dịch vụ y tế và bảo trợ kịp thời, giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng này.
Điều đó đòi hỏi chính phủ các nước khi triển khai các nỗ lực đối phó với dịch bệnh cũng như phục hồi sau dịch cần chú trọng tới người khuyết tật. Đó là đảm bảo các quyền công bằng cho người khuyết tật tiếp cận y tế trong giai đoạn dịch COVID-19, cùng kế hoạch hòa nhập khuyết tật giúp phục hồi sau đại dịch, cung cấp các hệ thống toàn diện, dễ tiếp cận và nhanh hơn, có khả năng đối phó với các tình huống phức tạp, mở đường cho một tương lai tốt đẹp hơn cho người khuyết tật.
https://baotintuc.vn/the-gioi/bao-ve-cong-dong-de-bi-ton-thuong-nhat-trong-dai-dich-covid19-20201203121702796.htm
Ý kiến ()