Thứ Ba, 26/11/2024 22:35 (GMT +7)

Bảo vệ nguồn tài nguyên nước

Thứ 5, 25/02/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Giữa lúc “vựa lúa” vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang quay quắt, chống chọi hạn, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng thì vấn đề bảo vệ tài nguyên nước lại trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chịu tác động “kép”
Những ngày qua, không ít người nông dân ở một số nơi của vùng ĐBSCL phải đón một cái Tết Nguyên đán không vui, khuôn mặt của họ toát lên nỗi buồn vì cả vụ mùa lúa đông xuân có nguy cơ mất trắng do nhiễm mặn.
Tại tỉnh Sóc Trăng, thời điểm này tỉnh đã có hơn 6.000 ha lúa đông xuân bị ảnh hưởng nặng do hạn mặn. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là tại huyện Trần Đề có hơn 500 ha lúa đang kỳ trổ bông đã chết khô; hơn 2.000 ha lúa bị ảnh hưởng nặng về năng suất do thiếu nước hoặc nước mặn khiến không phát triển được.

Người dân xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang sử dụng nước từ các vòi công cộng miễn phí trong mùa khô hạn.

Còn tại huyện Mỹ Xuyên có hơn 400 ha lúa chết và 700 ha lúa bị ảnh hưởng năng suất. Các địa phương khác như Long Phú, Kế Sách cũng thiệt hại về lúa tuy diện tích ít hơn nhưng nhiều vườn cây ăn trái, hoa màu của nông dân bị ảnh hưởng nặng cũng do mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Hàng ngàn nông dân ở các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang) trong những ngày Tết Nguyên đán phải bỏ vui xuân để ra đồng cứu 30.000 ha lúa đông xuân vùng này đang bị nước mặn bao vây và đã có gần 700 ha chết trụi và ngay trong những ngày Tết, Chủ tịch UBND tỉnh đã xuống thị sát để cứu lúa cho dân.

Không chỉ thiếu nước phục vụ sản xuất, nước sinh hoạt ở nhiều nơi của vùng ĐBSCL cũng đang ngày càng cạn kiệt. Theo Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, mùa khô 2015 – 2016 là năm có mặn xâm nhập sớm, sâu và khả năng kéo dài đến hết mùa khô nếu không có mưa. Các vùng cách biển 25 – 45 km từ cuối tháng 2/2016 trở đi có nguồn nước ngọt giảm nhiều và gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông, gây ra tình trạng thiếu nước ngọt cho sản xuất và nước sinh hoạt. Các vùng cách biển 45 – 65 km, từ tháng 3/2016 đến tháng 5/2016 có khả năng bị mặn cao trên 4 g/l.
Tại thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang, hiện nhà máy tiếp nhận nguồn nước thô từ kênh Rạch Giá – Long Xuyên thông qua tuyến kênh dẫn nước Tà Tây dài 3,3 km và hồ nước thô đặt tại phường Vĩnh Thông (thành phố Rạch Giá) có dung tích 500.000 m3 thông với tuyến kênh dẫn nước Tà Tây, cách cửa sông lấy nước đầu nguồn 2,2 km. Hồ nước thô có nhiệm vụ sơ lắng và dự trữ nước cho mùa khô khi nhà máy không thu được nước ngọt. Như vậy, với điều kiện hiện tại, trường hợp nguồn nước đầu vào bị nhiễm mặn, đơn vị chỉ đảm bảo cung cấp nước ổn định cho thành phố Rạch Giá và một phần huyện Hòn Đất khoảng 10 ngày.
Có thể thấy vùng châu thổ ĐBSCL đang phải đối mặt với tình trạng hạn, xâm mặn ngày càng tồi tệ hơn vì sớm hơn thường lệ, lấn sâu nhanh vào đất liền với nồng độ cao hơn, thời gian kéo dài hơn và kết thúc muộn hơn so với những năm trước. Có ý kiến cho rằng nguyên nhân chính là hệ quả của “tác động kép”. 21 con đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông với các dự án đã, đang và sẽ triển khai của các quốc gia thượng nguồn và cùng với tình trạng xói lở, xâm nhập mặn từ biển do hiện tượng El Nino chính là “hai gọng kìm” mà ĐBSCL đang phải đối mặt, khiến nguồn nước cho sinh hoạt và canh tác mùa vụ đông xuân ở ĐBSCL trở nên hiếm hoi và nguy cơ xâm nhập mặn lớn hơn.
Bảo vệ nguồn tài nguyên nước
Đứng trước thách thức trên, nhiều chuyên gia cho rằng, ĐBSCL phải có những giải pháp phù hợp nhằm bảo vệ và phát triển tài nguyên nước. Theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh Tế – Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, với gần 95% lượng nước mặt ở nước ta trong lưu vực sông Mê Kông là từ nước ngoài, hiện nay việc tiến hành các chính sách ngoại giao quốc tế chủ động và vai trò của Ủy hội sông Mê Kông là rất quan trọng để đánh giá đúng các tác động của các thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông. Hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng của nó đối với sự phân bổ lại nguồn nước, tối ưu hóa lượng phù sa tự nhiên nhằm ứng phó với nước biển dâng.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Hiệp, các tỉnh vùng ĐBSCL cần phải giảm khai thác nước ngầm, chống sụt lún đất. Đồng thời đầu tư khai thác hệ thống cấp nước mặt, xây dựng các kênh nối giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu để đảm bảo nguồn nước khi vào mùa khô đến vùng phía Tây (bán đảo Cà Mau). Ngoài ra, kiểm soát dòng chảy nước ngọt và nước mặn tại các cửa sông nhằm ngăn chặn hiện tượng mặn xâm nhập sâu vào đất liền. Tăng cường khai thác bền vững ngành nuôi trồng thủy sản ven biển, phục hồi rừng ngập mặn ven biển và tăng cường trồng và khai thác các giống cây, thủy sản chịu mặn giá trị cao như: tôm, tảo, rong biển thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trước đây, trong diễn đàn hợp tác ĐBSCL – MDEC 2015, đã có nhiều ý kiến cho rằng, thách thức lũ lụt hay khô hạn, xâm mặn đang đặt ra cho vùng ĐBSCL một yêu cầu quan trọng là liên kết vùng để ứng phó. Không thể để tình trạng “mạnh ai nấy lo” của từng tỉnh, thành mà cần phải có xem xét trên bình diện toàn vùng để thống nhất trong việc triển khai các cơ chế, chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, liên kết trong phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ tài nguyên – môi trường…
ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đến năm 2020 tại Quyết định số 939/QĐ-TTg nhưng hiện nay đứng trước thách thức biến đổi khí hậu, nước biển dâng và trước vấn đề “vừa hợp tác vừa đấu tranh” lợi ích giữa các quốc gia thì vấn đề liên kết vùng lại càng trở nên bức thiết. Thế nhưng, đến lúc này chúng ta vẫn đang còn thiếu cơ chế, chính sách liên kết vùng. Từ đó dẫn đến thiếu “nhạc trưởng” điều phối chung và thiếu cả cơ chế tài chính cho vùng. Vì vậy, rất cần sớm có cơ chế, chính sách và quy chế làm việc của một tổ chức quản lý nhà nước cấp vùng để triển khai, thực hiện các mục tiêu quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết các vấn đề liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm và phối hợp nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong vùng ĐBSCL.
Anh Đức – Minh Trí- TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu