Siêu bão Winston hoành hành tại Fiji cuối tuần qua đã gây thiệt hại nặng nề ở quốc đảo Thái Bình Dương này, số người thiệt mạng được xác nhận đã lên tới 17 người, hàng trăm nhà ở bị phá hủy và hầu hết các vùng trên cả nước hiện vẫn trong tình trạng mất điện.
Bão Winston với sức gió lên tới 325 km/giờ đổ bộ vào Fiji tối 20/2, là cơn bão mạnh nhất từ trước tới nay ở Bán cầu Nam.
Chính phủ Fiji đã tuyên bố tình trạng thảm hoạ thiên tai quốc gia, có hiệu lực trong 30 ngày kể từ ngày 20/2, đồng thời ban bố lệnh giới nghiêm từ 18 giờ (giờ địa phương) để đảm bảo an toàn cho người dân. Theo đó, toàn bộ các trường học đóng cửa trong một tuần, trong khi các binh sĩ không được nghỉ phép để hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão.
Lệnh giới nghiêm đã được dỡ bỏ vào 5 giờ 30 sáng 22/2 (theo giờ địa phương), song tình trạng thảm họa thiên tai vẫn có hiệu lực.
Các du khách nước ngoài đã bắt đầu sơ tán khỏi Fiji, trong khi giới chức nước này nỗ lực khắc phục hậu quả.
Phát biểu trên truyền hình ngày 21/2, Thủ tướng Fiji Vorege Bainimarama thông báo cơn bão đã gây thiệt hại trên diện rộng, phá hủy nhiều nhà ở, khiến nhiều người không có điện nước sinh hoạt và bị cắt đứt liên lạc. Ông cũng cho biết cảnh sát và quân đội đã được huy động tham gia các hoạt động cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai.
Chính phủ Australia và New Zealand đã xúc tiến hoạt động cứu trợ cho Fiji. Ngoại trưởng Australia Julie Bishop tuyên bố Canberra cho phép điều máy bay tuần tra trên biển Orion P3 và trực thăng MRH-90 đến Fiji. Bà khẳng định Australia sẵn sàng tăng cường trợ giúp công tác cứu hộ và tái thiết tại Fiji.
Hiện ưu tiên hàng đầu của Fiji là khôi phục nguồn điện, sửa chữa nhà cửa bị hư hại và duy trì nguồn nước cho hơn 700 trung tâm sơ tán.
Ngoại trưởng New Zealand Murray McCully cũng thông báo nước này đã điều một máy bay Orion P3 đến Fiji giúp hoạt động cứu trợ và đánh giá thiệt hại, đồng thời cho biết Chính phủ New Zealand liên hệ chặt chẽ với nhà chức trách Fiji và sẵn sàng trợ giúp người dân Fiji khắc phục hậu quả thiên tai./.
Ý kiến ()