Chủ Nhật, 24/11/2024 21:24 (GMT +7)

Bắt được tín hiệu sóng vô tuyến cách hàng tỷ năm ánh sáng trong không gian

Thứ 6, 11/01/2019 | 15:26:00 [GMT +7] A  A

Đây là lần thứ hai các nhà khoa học đã ghi nhận tín hiệu sóng vô tuyến nhanh (FRB) phát ra từ một địa điểm cách Trái Đất 1,5 tỷ năm ánh sáng.

Ảnh minh họa – Reuters

Thông tin được công bố trên tạp chí Nature xuất bản ngày 9/1. Đây là kết quả của một công trình nghiên cứu đã được trình bày tại cuộc họp lần thứ 233 của Hiệp hội Thiên văn Mỹ tổ chức tại thành phố Seatt le.

Sóng FRB xuất hiện chỉ kéo dài một phần nghìn giây. Bản thân sóng FRB hiện hữu trong không gian không phải là hiếm. Tuy nhiên, đây là lần thứ hai các nhà khoa học ghi được loạt sóng lặp đi lặp lại cùng chung tần số. Bí ẩn về nơi bắt nguồn tín hiệu luôn thúc đẩy các nhà khoa học nghĩ rằng tồn tại một nền văn minh ngoài Trái Đất đang tạo ra chúng.

Lần phát hiện sóng FRB đầu tiên, với tên gọi FRB 121102, xảy ra vào năm 2015 được kính viễn vọng vô tuyến Arecibo ghi lại. Sóng FRB ghi nhận lần hai có tên gọi FRB 180814.J0422 73 được phát hiện bởi kính thiên văn CHIME ở Canada vào mùa hè năm 2018 khi còn trong thời kỳ thử nghiệm.

Các nhà khoa học tin rằng sẽ có thêm nhiều sóng FRB được tìm thấy và cho phép chúng ta biết được nguồn gốc thực sự của chúng.

Ingrid Stairs, thành viên của đội nghiên cứu CHIME kiêm nhà vật lý thiên văn tại Đại học British Columbia, cho biết: “Biết chắc sẽ có nhiều tín hiệu khác ở ngoài đó. Với hiện tượng lặp nhiều hơn và có nguồn nghiên cứu, chúng tôi có thể giải được những mảnh ghép này – chúng đến từ đâu và nguyên nhân gây ra chúng”.

Cũng theo các nhà khoa học, trong khi phát hiện FRB họ cũng nhận thấy có hiện tượng “tán xạ”. Tán xạ là hiện tượng photon bị đổi hướng khi gặp các vật, có thể vĩ mô như các tiểu hành tinh, các viên đá trong vành đai Sao Thổ, hay các vật chất vi mô như các hạt bụi. Hiện tượng này có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về môi trường xung quanh vật phát ra FRB.

“Điều này có thể ám chỉ nguồn gốc phát ra FRB là một dạng khối dày đặc, ví dụ như tàn tích siêu tân tinh hay gần lỗ đen trung tâm trong một dải thiên hà. Nó phải là một nơi đặc biệt để tạo ra hiện tượng tán xạ mà chúng ta thấy”, thành viên nhóm nghiên cứu Cherry Ng – nhà thiên văn học thuộc Đại học Toronto – lý giải.

Theo Bảo Hà/Báo Tin tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu