Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 27/11/2024 20:49 (GMT +7)
Bến Lức ấm lòng công nhân xa quê ở lại nhà trọ ngày cuối năm
Thứ 6, 20/01/2023 | 15:31:55 [GMT +7] A A
Năm hết tết đến, thời điểm cuối năm mọi người ai nấy đều nôn nao đến ngày nghỉ Tết để trở về quê thăm viếng người thân, xóm giềng, dòng họ và là dịp để ở lại lâu hơn với gia đình, vui vầy, sum họp bên mái nhà chung. Thế nhưng, trên thực tế có những trường hợp vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà có những người con xa quê không thể trở về vui niềm vui sum họp trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Theo số liệu thống kê từ LĐLĐ huyện Bến Lức, qua khảo sát cuối năm, số lao động đăng ký ở lại không về quê ăn tết trên địa bàn huyện có khoảng hơn 20% trên tổng số 63.000 công nhân lao động.
Gia đình chị Đỗ Thị Thu Hà và anh Võ Trường Hận quê ở miền Tây, hai năm gần đây đều chọn ở lại nhà trọ mà không về quê đón Tết do thu nhập thấp không đủ chi phí trang trải sinh hoạt gia đình. Anh Hận hiện đang làm việc tại Công ty cổ phần xây dựng thương mại dịch vụ sản xuất Đệ Nhất xã Tân Bửu, bình quân những tháng công ty có hàng thu nhập của anh khoảng 10 triệu đồng/ tháng, những tháng không có hàng thì khoảng 3 - 4 triệu đồng/ tháng. 3 tháng trước Tết công ty không có hàng làm, năm nay lại không có thưởng Tết và cho nghỉ Tết sớm nửa tháng nên gia đình càng khó khăn hơn. Bản thân vợ anh là chị Hà hơn một năm nay lại mắc bệnh viêm thị thần kinh không thể đi làm nên cuộc sống càng thêm chật vật. Cộng thêm hai vợ chồng lại ở hai tỉnh khác nhau, người ở tỉnh Sóc Trăng, người ở tỉnh An Giang nên chi phí đi lại, quà cáp Tết nội ngoại hai bên khá tốn kém, phải đành ở lại nhà trọ.
Cũng đã dần quen với những cái Tết xa quê, gia đình bà Thị Nhung và ông Danh Sao quê ở tỉnh Kiên Giang có 4 thành viên đến huyện Bến Lức làm việc sinh sống đã được 10 năm và chưa có năm nào về quê đón Tết. Trung bình một lượt đi về của cả gia đình cũng phải 1 triệu đồng/ người, chưa kể tiền quà cáp về thăm nội ngoại gia đình hai bên, tiền lì xì tết con cháu trong nhà, … Vì vậy vợ chồng ông bà chọn ở lại nhà trọ ăn Tết nhằm tiết kiệm một khoản tiền gởi về quê mua quà bánh cúng kiến ông bà, tổ tiên.
Nhìn chung mỗi người mỗi cảnh, không ai giống ai nhưng khó khăn chung của những công nhân xa nhà không về quê ăn Tết là do chi phí tiền tàu, xe quá cao. Chi phí mỗi lần về cho cả gia đình khá nhiều, trong khi Tết là dịp tiền tàu, xe tăng giá cao hơn so với ngày bình thường nên đa phần các công nhân ngoài tỉnh đều chọn phương án gởi tiền về quê cho gia đình để đỡ tốn kém. Mặc khác hai năm gần đây do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế, phần lớn các công ty đều gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hạn chế về đơn hàng buộc phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động và cho công nhân nghỉ Tết sớm hơn so với thường năm. Khi hỏi về những cái tết xa quê, tất cả họ đều có chung câu trả lời “cũng như ngày thường”, bởi ở nơi đất khách quê người có ai quen biết đâu mà lui tới, cũng chẳng cần tiệc tùng, ăn uống khoa trương cho tốn kém.
Tết này, xuân Quý Mão 2023 để chia sẻ và kịp thời động viên đối với công nhân lao động khó khăn, xa quê ở lại nhà trọ ăn Tết năm 2023, Liên đoàn Lao động huyện Bến Lức và các công đoàn cơ sở, chủ nhà trọ đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo thiết thực, ý nghĩa cho đoàn viên, công nhân lao động khó khăn trên địa bàn huyện với với phương châm tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết. Theo thống kê, tổng số quà Tết thăm hỏi từ nguồn vận động của Liên đoàn Lao động huyện và các công đoàn cơ sở, chủ nhà trọ trên địa bàn huyện là trên 46.000 phần quà với tổng kinh phí trên 14 tỷ đồng. Tất cả nhằm mang đến không khí mùa xuân ấm áp, nghĩa tình của quê hương Bến Lức góp phần hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn đón Tết cổ truyền vui tươi, “Cùng nhau làm nên Tết” năm 2023./.
Lê Hạnh – Thái Tần
Ý kiến ()