Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 27/11/2024 18:35 (GMT +7)
Bến Lức: “Chai lọ yêu thương” gây quỹ giúp đỡ phụ nữ và trẻ em nghèo
Thứ 2, 13/02/2023 | 16:14:43 [GMT +7] A A
Xuất phát từ thực tế trong sinh hoạt hàng ngày, hộ gia đình nào cũng có phế liệu như vỏ lon, chai nhựa nhưng sau khi sử dụng, thường được vứt bừa bãi, vừa lãng phí, vừa ảnh hưởng đến môi trường, Hội Phụ nữ xã An Thạnh, huyện Bến Lức đã triển khai mô hình “Chai lọ yêu thương”.
Qua hơn 06 năm thực hiện, mô hình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, không chỉ tạo được nguồn quỹ để hỗ trợ các hội viên nghèo ổn định cuộc sống mà còn góp phần làm cho môi trường xanh - sạch - đẹp.
Hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc thu gom phế liệu, Cơ sở Mần non tư thục Tuổi Thần Tiên, Ấp 4 xã An Thạnh đã tự nguyện đặt mô hình tại đây, ngoài thu gom, phân loại rác thải nhựa bán gây quỹ ủng hộ phụ nữ khó khăn, mô hình còn góp phần giáo dục tình yêu thương con người và ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh ngay từ nhỏ. Để thực hiện tốt mô hình, cơ sở Mần Non Tuổi Thần Tiên đã thiết kế “ngôi nhà chứa rác thải nhựa” có chiều cao 1,5m; rộng 1,2m, bọc lưới xung quanh chắc chắn và có mái lợp, đảm bảo gọn nhẹ, thuận tiện để chứa các loại phế liệu. “Ngôi nhà chứa rác thải nhựa” được đặt ngay trước cơ sở để thuận tiện cho phụ huynh và học sinh thu gom chai nhựa thả vào. Tùy thuộc vào tình hình cụ thể mỗi tuần hay mỗi tháng, khi ngôi nhà đầy phế liệu, Chi/tổ phụ nữ tại ấp, phân loại mang đi bán, để gây quỹ giúp đỡ cho phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Cô giáo Trần Ngọc Linh, Giáo viên cơ sở Mần Non Tuổi Thần Tiên, chia sẻ:“Từ ngày đặt ngôi nhà chứa rác thải nhựa tại đây, chúng tôi dễ dàng giáo dục cho các em học sinh về ý thức bảo vệ môi trường từ việc làm thực tế hàng ngày là không vứt rác bữa bãi, bỏ rác đúng nơi qui định. Ngoài ra, từ ý nghĩa của mô hình chúng tôi đã giáo dục cho các em sinh về lòng nhân ái yêu thương con người và đức tính tiết kiệm, giá trị các vật tuy nhỏ nhưng nếu chúng ta tích tiểu thành đại thì giá trị của chúng càng lớn,… vì thế phụ huynh và học sinh rất hào hứng tham gia thực hiện phong trào này.”
Theo Hội LHPN xã An Thạnh, đến nay Hội có 09 điểm tham gia thực hiện mô hình “Chai lọ yêu thương” tại 7 ấp trong xã, bình quân mỗi năm thu được từ 7-10 triệu đồng/09 điểm. Từ số tiền này, Hội Phụ nữ An Thạnh đã kịp thời giúp đỡ khoảng 60 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nhằm cải thiện cuộc sống và thoát nghèo bằng nhiều cách như hỗ trợ cây, con giống và trao nhiều phần quà trị giá khác.
Bà Huỳnh Thị Thanh Vân, Chủ tịch Hội LHPN xã An Thạnh, cho biết: “Với mô hình “Chai lọ yêu thương”, thu gom rác thải, hy vọng tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân về phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt; hạn chế dần việc sử dụng sản phẩm nhựa và túi ni lông khó phân hủy, thay thế bằng sản phẩm túi thân thiện với môi trường. Tận dụng tối đa chất thải hữu cơ phát sinh để tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra, góp phần chung tay xây dựng một môi trường xanh - sạch - đẹp. Qua đó, còn góp phần gây quỹ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn được ổn định cuộc sống,… Để nâng cao hơn nữa hiệu quả mô hình, Hội đang xây dựng thêm các ngôi nhà chứa rác thải nhựa bằng lưới B40 để dọc các trục đường trong ấp để nhân dân có thể bỏ rác thải nhựa, sau đó các hội viên sẽ thu gom, bán và gây quỹ.”
Mô hình “Chai lọ yếu thương” thu gom phế liệu và rác thải nhựa của Hội Phụ nữ xã An Thạnh đã mang lại hiệu quả thiết thực và có ý nghĩa nhân văn. Hội sẽ tiếp tục vận động nhân rộng mô hình để xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp gắn với lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong cộng đồng”../.
Việt Hằng – Lê Hạnh
Ý kiến ()