Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 21/11/2024 20:22 (GMT +7)
Bến Lức điểm sáng trong thực hiện mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy”
Thứ 4, 13/11/2024 | 11:19:46 [GMT +7] A A
UBND huyện Bến Lức đã ban hành kế hoạch về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy trong tình hình mới. Trong đó, giao Công an huyện có trách nhiệm vận động mỗi hộ gia đình trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy, 100% các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy và chuẩn bị các phương tiện cần thiết để sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại chỗ, ngay tại cơ sở.
Tại Khu dân cư ấp 1A, xã An Thạnh, câu chuyện mỗi nhà tự trang bị một bình chữa cháy đang trở thành phong trào mà bà con nhân dân cùng nhau thực hiện. Gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Hân là một trong những gia đình gương mẫu thực hiện, mô hình này.
Chị Ngọc Hân chia sẻ:“Sau khi được các tổ chức đoàn thể, Công an xã An Thạnh phát động mỗi hộ dân trang bị một bình chữa cháy, được tập huấn kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, người dân chúng tôi ý thức được rằng khi xảy ra cháy nổ, tự cứu mình trước khi được cứu là giải pháp tối ưu nhất. Do đó, tôi bỏ ra hơn 300 ngàn đồng mua 1 bình chữa cháy, với đám cháy nhỏ, mình chữa cháy kịp thời sẽ không lây lan ra, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của gia đình, hàng xóm”.
Hộ gia đình ông Huỳnh Thanh Đương cũng là một trong những hộ gia đình đã tích cực hưởng ứng mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy”. Ngay khi được UBND xã và Công an xã phát động, gia đình ông Đương đã sớm trang bị các bình chữa cháy xách tay và đặt ở nhiều khu vực khác nhau trong nhà. Không chỉ tích cực hưởng ứng mô hình, ông Đương còn lan tỏa phong trào PCCC đến đông đảo bà con nhân dân trong tổ dân cư ấp 1A cùng hưởng ứng.
Ông Huỳnh Thanh Đương cho biết:“Mặc dù không buôn bán, kinh doanh nhưng hiện nay nhà ở của hộ dân đa số được cất liền kề, vì thế để đảm bảo an toàn gia đình tôi đã trang bị bình chữa cháy, các thành viên trong nhà đều biết cách sử dụng thành thạo bình chữa cháy xách tay. Ngoài ra, tôi còn tự nguyện tham gia các khóa tập huấn hướng dẫn sử dụng phương tiện chữa cháy, từ đó về hướng dẫn người nhà cùng thực hành xử lý sự cố cháy; tuyên truyền cho những người trong gia đình cách đảm bảo an toàn các nguồn sinh nhiệt, sinh điện…”
Ông Lê Quốc Bảo - Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh cho biết: “Đảng ủy, UBND xã An Thạnh xây dựng mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy” và chọn ấp 1A làm điểm, ấp 4 làm diện để thực hiện mô hình với mục đích nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là các hộ dân có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thông qua mô hình mong muốn vận động 100% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy xách tay, 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình trên địa bàn thực hiện tốt việc mở lối thoát nạn khẩn cấp qua ban công, lối lên mái sang nhà liền kề, lắp thiết bị cảnh báo cháy sớm… Trong đó khuyến khích các hộ gia đình, cán bộ công chức, viên chức gương mẫu thực hiện, vận động xã hội hoá việc trang bị bình chữa cháy xách tay cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn...”
Hiện nay, trên địa bàn huyện Bến Lức có 19 tổ liên gia an toàn PCCC và 39 điểm chữa cháy công cộng. Công an huyện đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng thông tin điện tử, Zalo, Facebook, nhắn tin đến số điện thoại của người dân và tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh của huyện; tuyên truyền trực tiếp hay lồng ghép qua sinh hoạt chi bộ, họp tổ dân phố với hàng trăm ngàn lượt người dân được tiếp cận kiến thức an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Bên cạnh công tác tuyên truyền thì việc tập huấn kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cũng được Công an huyện và các đơn vị nghiệp vụ chú trọng. Đến nay, đã tuyên truyền vận động được 37.223 hộ gia đình trang bị bình chữa cháy xách tay, vận động 116 hộ gia đình mở lối thoát nạn thứ 2. Đa số các chủ hộ gia đình đã tham gia với sự chủ động và nhận thức vai trò, trách nhiệm đối với công tác phòng cháy chữa cháy.
Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy - chính quyền và lực lượng công an, phong trào "Nhà tôi có bình chữa cháy" gắn với phong trào "Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy" ngày càng lan tỏa và phát triển sâu rộng, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong phòng chống “giặc lửa” được lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút sự quan tâm, đồng hành của cả cộng đồng, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việt Hằng - Kim Phượng
Ý kiến ()