Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 27/11/2024 09:21 (GMT +7)
Bến Lức: Doanh nghiệp nỗ lực đảm bảo việc làm cho người lao động
Thứ 7, 06/05/2023 | 10:32:10 [GMT +7] A A
Từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, một số ngành sử dụng nhiều lao động trên địa bàn huyện Bến Lức như dệt may, da giày, cơ khí, công nghiệp phụ trợ gặp khó khăn do bị cắt giảm đơn hàng, ... Tình trạng này được dự báo sẽ còn kéo dài đến quý II/2023, ảnh hưởng tới bảo đảm việc làm cho người lao động.
Trước khó khăn, thách thức, thay vì cắt giảm lao động, một số doanh nghiệp đã thực hiện giải pháp chia đều việc cho công nhân, sẵn sàng chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất. Đồng thời, tích cực tìm kiếm đơn hàng mới, khách hàng mới để người lao động có việc làm, đảm bảo thu nhập. Đây cũng chính là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Tại Công ty Cổ phần Kim khí Nam Hưng (Khu Công nghiệp Thuận Đạo, thị trấn Bến Lức), không chỉ lương, các quyền lợi, chế độ khác được thực hiện đầy đủ, đúng thời gian theo quy định, mà môi trường, điều kiện làm việc luôn được chủ doanh nghiệp quan tâm cải thiện. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chủ động, linh hoạt cơ cấu lại mặt hàng có lợi thế; bảo đảm duy trì sản xuất, việc làm ổn định cho công nhân lao động. Đây là yếu tố quan trọng để trên 100 công nhân, người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.
Anh Nguyễn Khắc Huy, Công nhân Công ty Cổ phần Kim khí Nam Hưng cho biết: “Mặc dù đang gặp khó khăn về thiếu đơn hàng sản xuất trong các tháng đầu năm 2023, nhưng đến thời điểm này công nhân của Công ty chưa người nào phải nghỉ việc, chúng tôi chỉ không có tăng ca và hàng tháng được đều động luân phiên đến các chi nhánh nhưng vẫn đảm bảo được mức lương từ 9 - 10 triệu động/tháng và các chế độ khác. Được lãnh đạo công ty quan tâm, vừa duy trì thu nhập, chúng tôi rất yên tâm và nỗ lực cùng công ty vượt qua khó khăn trước mắt, hy vọng những tháng tới thị trường tốt hơn”.
Thiếu đơn hàng, phải cắt giảm lao động, nhưng khi có đơn hàng trở lại, các doanh nghiệp sẽ phải xoay sở tìm lao động. Thực trạng này đã khiến các doanh nghiệp phải tốn rất nhiều chi phí tuyển dụng, chi phí đào tạo và thời gian để vận hành lại bộ máy,... ảnh hưởng trực tiếp đến khâu sản xuất, tiến độ giao hàng. Chính vì vậy, mặc dù khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn đang cố gắng tìm kiếm đơn hàng, đảm bảo việc làm để giữ chân người lao động, đón đầu cơ hội khi thị trường phục hồi trở lại.
Chị Lê Thị Mộng Tuyền, Phó Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Liên Cường, thị trấn Bến Lức, cho biết: “Liên tục nhiều tháng qua, Công ty chúng tôi gặp khó khăn về đơn hàng, 50% xưởng sản xuất đã đóng cửa, vì thế công nhân lao động phải nghỉ việc, số còn lại hiện cũng phải giảm giờ làm, ngày làm,... Mặc dù thua lỗ nhưng Ban giám đốc Công ty vẫn nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, thậm chí nhận đơn nhỏ lẻ để duy trì sản xuất và giữ chân người lao động. Nhờ sự nỗ lực của Ban giám đốc cũng như sự thông cảm, chia sẻ của công nhân lao động, hy vọng rằng những tháng tới, tình hình sẽ khởi sắc hơn và Công ty cũng dần ổn định trở lại, giúp người lao động có thu nhập để đảm bảo cuộc sống,…”
Bến Lức hiện có khoảng 2.554 doanh nghiệp và chi nhánh trong nước; 124 doanh nghiệp và chi nhánh đầu tư nước ngoài đang hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho trên 60.000 lao động trong và ngoài địa phương. Nhiều dự báo cho thấy, trong thời gian tới, tình hình trong nước và thế giới tiếp tục có nhiều biến động khó lường, tạo ra những thách thức lớn với nền kinh tế và thị trường lao động. Do đó, trong lúc này, các doanh nghiệp cần thực hiện tốt chính sách giữ được nguồn nhân lực có tay nghề, ổn định thị trường lao động, duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh để sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng, …/.
Việt Hằng – Lê Hạnh
Ý kiến ()