Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 23/01/2025 21:34 (GMT +7)
Bến Lức giữ gìn nét đẹp thư pháp ngày xuân
Thứ 5, 23/01/2025 | 15:32:31 [GMT +7] A A
Từ bao đời nay, phong tục xin và cho chữ đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam trong những ngày đầu xuân. Dẫu thời gian có trôi, trải qua bao thăng trầm lịch sử, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, nét đẹp văn hóa này vẫn được người dân giữ gìn và phát huy.
Có thể thấy rằng, thư pháp không chỉ là thú vui tao nhã, mà còn là nghệ thuật độc đáo, có thể gửi gắm nỗi niềm, tâm tình của mỗi người. Vì vậy mà không biết tự bao giờ, trong đời sống văn hóa của người Việt đã hình thành nét đẹp văn hóa “xin chữ - cho chữ” đầu năm. Mọi người quan niệm rằng “xin chữ” đầu năm là để cầu mong may mắn, gửi gắm những ước vọng về một năm mới thuận hòa, bình an và những điều tốt đẹp đến với mỗi người, mỗi gia đình. Tại huyện Bến Lức, những năm qua, nét văn hóa “xin chữ” và “cho chữ” cũng được gìn giữ và phát huy.
Chị Nguyễn Thị Mai Hương, thị trấn Bến Lức chia sẻ: Bản thân tôi nghĩ rằng, “xin chữ” đầu năm là một nét đẹp văn hóa từ rất lâu đời của ông bà mình, đến bây giờ vẫn còn lưu giữ và phát huy. Ngày xưa ông, bà thường răn dạy con cháu rằng nếu không có học hành đàng hoàng thì chúng ta sẽ không thành tài. Có lẽ vì vậy mà mọi người đều đề cao việc học cũng như rất trân quý chữ viết của dân tộc, đặc biệt là những nét chữ đẹp. Cũng từ đó mà nhiều người thường “xin chữ”vào dịp Tết, dịp đầu năm với mong muốn con cháu học hành giỏi giang và cũng mong cầu sức khỏe, những điều tốt đẹp cho cả gia đình trong dịp năm mới. Chữ xin về thường được treo ở nơi trang trọng nhất không chỉ nhằm trang trí cho ngôi nhà, mà còn thể hiện ước vọng về một năm mới bình an, thuận lợi và may mắn. Vừa rồi, tôi cũng đến Trung tâm Văn hóa Thông tin và Truyền thanh huyện gặp các cô viết chữ thư pháp để “xin chữ” cầu mong cho năm mới gia đình chúng tôi luôn hòa thuận, đầm ấm, hạnh phúc."
Không chỉ được viết trên những bức tranh dành để trang trí những nơi trang trọng trong nhà. Nhiều người còn “xin chữ” trên những bao lì xì và gửi gắm vào đó những câu chúc Tết phù hợp với những lứa tuổi như: chúc ba năm mới nhiều sức khỏe; chúc mẹ luôn bình an; chúc con luôn chăm ngoan, học giỏi; chúc cả nhà vạn sự như ý…Những bao lì xì cùng những dòng chữ mềm mại trên đó được trao đi là tình cảm, là lời cầu chúc cho người thân yêu mà người trao tặng muốn gửi gắm và người “cho chữ” đã khéo léo truyền tải đi qua từng nét mực.
“Với một người trẻ như em mà nói thì việc “xin chữ” thư pháp đầu năm đã trở thành một hoạt động trải nghiệm văn hoá đẹp trong dịp Tết cổ truyền. Những năm nay, tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ mừng đảng mừng xuân diễn ra trong huyện, em cũng có dịp trải nghiệm hoạt động “xin chữ - cho chữ” thư pháp vào đầu năm mới. Với các hoạt động này, ngoài việc đáp ứng nhu cầu “xin chữ” của người dân mình thì đây cùng là dịp cho những người trẻ như chúng em cũng có cơ hội được xem ông bà, cô chú viết thư pháp như thế nào và hiểu hơn về ý nghĩa của nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình”, anh Nguyễn Hữu Thành, thị trấn Bến Lức đã chia sẻ.
Dẫu là xưa hay nay, dẫu là người tìm đến thư pháp với mục đích “xin chữ” cầu mong những điều tốt đẹp cho gia đình, người thân hay chỉ đơn thuần là tìm đến thư pháp với mục đích được một lần trải nghiệm hay ngắm nhìn lại không khí “xin chữ - cho chữ” để sống lại những ký ức đẹp của không gian Tết xưa.
Dù là mục đích nào đi nữa thì tất cả mọi người tìm đến thư pháp ngày xuân đều vì yêu mến, trân trọng và muốn gìn giữ phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đó chính là giá trị văn hóa tinh thần, hướng con người ta đến “chân - thiện - mỹ”.
Kim Phượng
Ý kiến ()