Chủ Nhật, 19/05/2024 18:34 (GMT +7)

Bến Lức hiệu quả từ mô hình phân loại rác thải tại hộ gia đình

Thứ 2, 15/05/2023 | 17:59:56 [GMT +7] A  A

Góp phần thực hiện tiêu chí Môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, hội viên phụ nữ xã Long Hiệp, huyện Bến Lức đã tham gia thực hiện mô hình phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình để vừa tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, vừa chung tay bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng. Mô hình được triển khai thực hiện từ nhiều năm qua, đến nay đã đi vào nề nếp và mang lại hiệu quả thiết thực.

Hàng ngày, bà Lưu Thị Nở chú trọng quét dọn nhà cửa, thu gom phân loại rác thải

Bà Lưu Thị Nở, ngụ ở ấp Phước Toàn chia sẻ, khi thực hiện mô hình phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình, bản thân bà mong muốn nhà cửa lúc nào cũng thông thoáng, sạch sẽ để bảo vệ sức khỏe cho cả nhà. Hàng ngày, bà Nở chú trọng quét dọn nhà cửa, thu gom các loại rác hữu cơ như lá cây, các loại rác sau khi chế biến thức ăn đổ vào hố rác để phân hủy thành phân hữu cơ bón cho cây kiểng. Trong nhà, bà Nở trang bị 03 giỏ rác gồm giỏ đựng các loại túi ni lông; giỏ đựng phế liệu như chai nhựa; còn lại đựng chai thủy tinh, sành sứ, … Sau khi các giỏ rác đầy, bà đem các loại túi ni lông đốt, hoặc bỏ thùng rác; còn chia nhựa bà bán ve chai và rác thủy tinh bà gom lại để ở một góc riêng, không gây hại cho các thành viên trong gia đình.

“Từ khi phụ nữ xã phát động mô hình phân loại rác, hội viên phụ nữ đều đồng tình ủng hộ, tự giác phân loại các chất thải. Chỉ mất thêm một chút công sức ngay tại nhà nhưng bù lại trong nhà, ngoài ngõ đều sạch đẹp” Bà Lưu Thị Nở hào hứng.

Phân hữu cơ sau khi ủ, bà Lưu Thị Nở dùng để bón cho cây kiểng, cây ăn trái trong vườn.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, ngụ ấp Lò Gạch chia sẻ, trước kia gia đình bà hay để rác chung, lộn xộn. Nhưng khoảng 05 năm nay, gia đình đã bắt đầu phân loại rác theo hướng dẫn của hội phụ nữ xã. Bà cũng trang bị các thùng chứa và phân loại: rác bán được, rác bón cây và rác tiêu hủy. Theo bà Phụng việc phân loại rác ngay tại chỗ có nhiều cái lợi như vừa có thêm rác hữu cơ là thức ăn thừa, rau, củ để bón cho cây trong vườn, vừa lọc ra một số loại rác có thể tái chế hoặc bán cho người thu mua phế liệu.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, chia sẻ: "Từ khi tham gia mô hình, mang lại nhiều lợi ích cho bản thân và gia đình, hàng tháng dự sinh hoạt được nghe tuyên truyền bảo vệ môi trường và được hướng dẫn phân loại rác. Trước đây rác tôi cứ đưa vào một thùng thôi, từ khi tham gia mô hình này, tôi mới biết phân loại thế nào là rác hữu cơ, rác vô cơ hoặc cái nào tái sử dụng được thì mình tích lũy để dành hai, ba tuần bán  một lần, tiết kiệm được một phần chi phí mua nhu yếu phẩm trong nhà".

Chị Lê Thị Thu Cúc, ấp Chánh thực hiện quy trình ủ rác hữu cơ làm phân bón vi sinh

Nhận thấy lượng rác hữu cơ chiếm số lượng lớn từ gia đình và nếu tập kết về bãi rác vừa gây ô nhiễm vừa lãng phí. Chị Lê Thị Thu Cúc, ấp Chánh đã nghiên cứu và thực hiện quy trình ủ rác hữu cơ làm phân bón vi sinh. Chị Cúc đầu tư mua dụng cụ ủ rác hữu cơ (thùng chứa có nắp đậy và vòi lấy nước phân), men vi sinh và mật đường để ủ. Quy trình ủ đơn giản, tận dụng rác hữu cơ sau khi phân loại, thêm mật đường và men vi sinh, tất cả được cho vào thùng có nắp đậy nhằm hạn chế mùi hoặc ruồi muỗi vào đẻ trứng. Sau 02 ngày ủ, nước phân thu được có thể pha loãng với nước để tưới cho các loại cây trồng,…. Cách làm này làm giảm lượng rác thải phát sinh ra môi trường, đồng thời giảm chi phí vận chuyển, xử lý.

Rác thải sau khi ủ trở thành phân vi sinh dùng đểbón cho vườn rau của gia đình

Chị Lê Thị Thu Cúc, cho hay: “Phân loại rác và tận dụng rác hữa cơ ủ làm phân bón giờ là việc làm thường xuyên của các hộ gia đình. Thông qua mô hình này, chị em trao đổi, học tập kiến thức bảo vệ môi trường rất thiết thực, đặc biệt là cách tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp ủ phân bón cho các loại cây trồng với diện tích canh tác lớn”.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, ngụ ấp Lò Gạch phân loại rác thải tại nhà, đối với rác k tái chế được, bà Phụng mang bỏ tại nơi qui định.

Hiện nay, mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn đã được triển khai đến 100% hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Long Hiệp. Đa số hội viên đều đồng thuận trong việc thực hiện mô hình này. Bà Nguyễn Thị Thúy Diễm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Hiệp cho biết, mô hình phân loại rác tại nguồn phù hợp với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” của Hội, nhằm góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí về môi trường. Mô hình thu hút sự tham gia tích cực của người dân, đặc biệt là phát huy được vai trò của người phụ nữ trong gia đình./.

 Việt Hằng – Lê Hạnh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu