Thứ Năm, 28/11/2024 01:49 (GMT +7)

Bến Lức khơi dậy tình yêu di sản cho học sinh

Thứ 4, 12/07/2023 | 15:25:27 [GMT +7] A  A

Bến Lức - quê hương mang đậm giá trị lịch sử, cách mạng văn hóa truyền thống. Bởi vậy, việc quan tâm giáo dục tình yêu di sản cho học sinh đã, đang được huyện quan tâm thực hiện.

Học sinh tham quan, tìm hiểu tại Di tích lịch sử Rừng Tràm Bà Vụ (xã Tân Hòa)

Để nâng cao ý thức bảo vệ giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa cho thế hệ trẻ lấy học sinh làm trung tâm. Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo huyện đã tích cực đưa các nội dung giáo dục di sản văn hóa vào trường học thông qua việc lồng ghép vào các môn học như tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý... với nhiều hình thức giảng dạy phong phú, đa dạng; đồng thời, tận dụng nguồn học liệu tại chỗ là những di tích lịch sử văn hóa tại địa phương gần gũi, thân quen với học sinh để tổ chức cho các em tham quan, giáo dục ngoại khóa tại các điểm di tích, như: Di tích Quốc gia Đền Luật sư Nguyễn Hữu Thọ; Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn; Nhà Long Hiệp; Rừng Tràm Bà Vụ; Đình Mương Trám; …

Ông Trần Thanh Phong - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bến Lức cho biết: “Hàng năm, ngành giáo dục huyện đều xây dựng các chương trình tìm hiểu, học tập về di sản văn hóa lịch sử địa phương; chủ động liên kết với Ban quản lý di tích các Khu di tích lịch sử để đưa học sinh đến tham quan, học tập; chỉ đạo các trường có kế hoạch cụ thể về việc lồng ghép trong các tiết dạy với các nội dung liên quan đến di sản, di tích lịch sử tại địa phương. Kết thúc mỗi chuyến đi, các em có thể trình bày kết quả bằng nhiều phương thức như thuyết trình, làm báo tường, hay sân khấu hoá học đường;...”

Học sinh trường Tiểu học Thạnh Hòa về địa chỉ đỏ tại Khu Di tích Đình Mương Trám (xã Thạnh Lợi)

Là một trong những trường làm tốt công tác giáo dục di sản cho học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Oanh Thy - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Bửu cho rằng: “Việc tổ chức các tiết học thực tế gắn với các di tích lịch sử của địa phương là một hình thức giáo dục hiệu quả để học sinh hứng thú, tự giác tìm hiểu, trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa mà cha ông để lại. Bởi vậy, nhân dịp các ngày lễ lớn của đất nước, nhà trường đều tổ chức hoạt động về nguồn, tham quan di tích lịch sử, tổ chức giao lưu, tọa đàm, nói chuyện truyền thống với các Cựu Chiến binh, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, những nhân chứng lịch sử... Để từ đó, các em có cơ hội tiếp cận với các kiến thức lịch sử, văn hoá truyền thống của dân tộc và hiểu về giá trị các di sản một cách trực quan, sinh động, giúp các em nhận thức sâu sắc hơn trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản, văn hóa, lịch sử của quê hương”.

Học sinh về nguồn, dâng hương tại Di tích Vàm Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ)

Em Nguyễn Lê Linh San, lớp 6A5 Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trung Trực, chia sẻ: “Trong các tiết học về địa lý, lịch sử, em và các bạn vẫn thường được nghe thầy, cô kể chuyện, giới thiệu về các địa danh và mốc son lịch sử, văn hóa của dân tộc. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức cho chúng em tham gia các buổi ngoại khóa thực tế tại các di tích lịch sử trên địa bàn huyện. Từ đó, chúng em có thêm nhiều kiến thức về lịch sử của địa phương, càng thấy thêm tự hào và quyết tâm sẽ cố gắng học tập tốt để góp sức xây dựng quê hương”.

Cùng với ngành giáo dục và đào tạo những năm qua, Huyện đoàn đã quan tâm đến việc giáo dục lịch sử, văn hoá truyền thống cho đoàn viên, thanh thiếu nhi bằng những việc làm bổ ích, thiết thực như: Tích cực tổ chức cho đoàn viên, đội viên, thanh thiếu nhi tham gia hành trình về nguồn đến với các "địa chỉ đỏ"; tổ chức kết nạp đoàn viên mới tại các di tích lịch sử; tổ chức vệ sinh, trồng hoa, cây xanh tại các điểm di tích; tham quan, tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của các di tích lịch sử văn hóa tại địa phương nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng của quê hương, đất nước lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Cùng với đó, nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) hàng năm, các cấp bộ Đoàn trong huyện đều tham gia tổ chức các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", thăm hỏi, tặng quà, động viên các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương, bệnh binh, gia đình chính sách tại địa phương...

Học sinh trường Hội nhập Quốc tế iSchool Long An tổ chức sân khấu hóa các nội dung liên quan đến di tích lịch sử tại địa phương

Có thể thấy rằng, thông qua những hoạt động giáo dục di sản thiết thực, bổ ích của các cấp, các ngành đã giúp các em học sinh hiểu thêm về giá trị lịch sử, di sản văn hoá, từ đó khơi dậy ý thức gìn giữ trong các em học sinh. Trong thời gian tới, huyện Bến Lức sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành Giáo dục huyện đẩy mạnh việc lồng ghép giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa vào các chương trình học cho học sinh. Cùng với đó, đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động ngoại khoá, giáo dục trải nghiệm; tổ chức các hoạt động trò chơi dân gian, thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa phù hợp với từng lứa tuổi học sinh,…/.

Việt Hằng

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu