Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 21/11/2024 22:51 (GMT +7)
Bến Lức: Nghề làm nhang mùa Tết
Thứ 6, 07/01/2022 | 14:28:00 [GMT +7] A A
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến rất gần. Vào những ngày nay, các hộ làm nhang ở huyện Bến Lức đang tất bật sản xuất để kịp đơn hàng phục vụ nhu cầu của người dân trong và ngoài huyện. Nhang phơi trải khắp mặt sân, mùi thơm lan tỏa ra tận ngõ xóm. Người làm tất bật với các công đoạn để sản xuất những bó nhang thơm nồng phục vụ Tết.
Vào mùa làm nhang Tết, gia đình chị Huỳnh Thị Kim Yến ở ấp 4 xã An Thạnh cũng nhận được lượng hàng nhiều hơn ngày thường. Để giữ được uy tín hơn 10 năm trong nghề, chị Yến không chạy theo thị trường sản xuất quá nhiều, chủ yếu làm nhang có chất lượng. Hiện tại bình quân mỗi ngày gia đình chị Yến với 4 lao động làm được hơn 20.000 cây nhang thơm.
Chị Huỳnh Thị Kim Yến, ấp 4 xã An Thạnh cho biết: “Trước đây làm thủ công, mỗi ngày gia đình tôi chỉ cho ra lò từ 10 – 20kg nhang thành phẩm. Những năm gần đây, nhận thấy cơ hội phát triển của “nhang sạch”, nên tôi đã mạnh dạn đầu tư mua máy làm nhang tự động,… Nhờ được tự động hóa, quy trình sản xuất nhang đã được rút gọn đáng kể. Công việc tuy không nặng nhọc, nhưng nhiều công đoạn, tốn nhiều thời gian. Như tăm tre được nhuộm đỏ một phần và phơi khô. Bột nhang được rưới nước và keo theo tỷ lệ phù hợp rồi cho vào máy trộn đều, sau đó bỏ cả tăm và bột vào từng bộ phận của máy. Khi cho ra nhang thành phẩm, người làm chỉ việc đem phơi khô và thu gom. Khi sản xuất nhang, người làm phải luôn túc trực bên máy, cho tăm và bột vào liên tục. Nếu máy bị nghẽn tăm thì rút ra và cho máy tiếp tục chạy hoặc phải biết khắc phục khi hỏng hóc. Đến nay, mỗi ngày gia đình tôi có thể làm đến 200kg nhang thành phẩm với giá thành dao động từ 150.000 – 200.000 đồng/kg.
Công đoạn làm nhang đơn giản nhưng để cho ra những cây nhang có uy tín, chất lượng tốt, không độc hại thì người thợ phải tỉ mỉ chọn nguyên phụ liệu và trộn bột làm nhang, đặc biệt là dùng các hương liệu tự nhiên để nhang thắp lên có mùi nhẹ nhàng và đặc trưng. Ngoài mang lại thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống cho gia đình, nghề làm nhang còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông nhàn ở địa phương, đặc biệt là chị em phụ nữ.
Bà Nguyễn Thị Gấm, ấp 4 xã An Thạnh chia sẻ:“Nghề làm nhang đơn giản, dễ làm ai cũng có thể làm được. Đặc biệt, giúp tôi có thêm khoản chi phí để lo cho gia đình, nhất là trong thời gian nhàn rỗi. Bình quân mỗi tháng, tôi được khoảng 4 triệu đồng, nhờ vậy mà cuộc sống gia đình tôi ngày càng ổn định hơn”.
Hiện trên địa bàn huyện Bến Lức nghề nhang chủ yếu theo quy mô hộ gia đình. Nguồn thu nhập từ nghề này đủ để các hộ có cuộc sống ổn định. Nhìn những kiện nhang được đóng gói chuẩn bị xuất đi mấy ai biết được các công đoạn làm nên bó nhang thơm cũng lắm công phu, nếu ai không kiên nhẫn thì khó bám trụ lâu dài với nghề.
Thắp nhang đã trở thành một trong những phong tục văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam. Việc thắp nhang thể hiện sự tôn kính đối với những người đã khuất hay để cầu nguyện những điều tốt lành, may mắn trong cuộc sống. Nhờ vậy, trong mỗi dịp Tết, nhang được tiêu thụ thuận lợi, dễ dàng hơn và giá “nhích” dần lên do nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều hộ dân sản xuất nhang tại huyện Bến Lức mong muốn sản phẩm làm ra được tiêu thụ dễ dàng để người dân giảm bớt khó khăn trong dịp Tết đến, Xuân về.
Việt Hằng – Kim Phượng
Ý kiến ()