Chủ Nhật, 24/11/2024 08:20 (GMT +7)

Bến Lức phát triển mạnh sản phẩm OCOP tiềm năng

Thứ 3, 10/01/2023 | 08:17:25 [GMT +7] A  A

Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay huyện Bến Lức có 16 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP tỉnh, trong đó có 01 sản phẩm xếp hạng 5 sao; 08 sản phẩm đạt 4 sao, còn lại đạt 3 sao. Sau khi được công nhận OCOP đã tạo điều kiện cho các sản phẩm tiêu thụ tốt hơn và thu nhập của người dân, doanh nghiệp tăng lên.

Bến Lức phát triển mạnh sản phẩm OCOP tiềm năng

Từ món me ngào tuổi thơ được bà ngoại hay làm cho con cháu, năm 2019 chị Trần Thị Ngọc Lan (sinh năm 1974), xã Thạnh Lợi đã mạnh dạn đưa loại thức uống dân dã này thành sản phẩm OOCOP hạng 3 sao cấp tỉnh với thương hiệu Đá me Chân Ý. Để có sản phẩm đá me phải trải qua nhiều công đoạn như tách vỏ me, tách hạt, sơ chế hạt rồi nấu. Ban đầu, cơ sở chị Lan gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm. Có khi nấu hạt me mềm hoặc cứng quá và chưa biết cách để tróc được hạt me. Qua sự hướng dẫn, giới thiệu của người bạn, Chị Lan tham gia khóa học ngắn hạn về công nghệ thực phẩm tại Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM. Với những kiến thức được học cùng với kinh nghiệm rút ra sau những lần thất bại, sản phẩm đá me ngày càng hoàn thiện hơn. Từ nguồn nguyên liệu đơn giản dễ tìm, được thu mua trực tiếp tại địa phương, me được chế biến thành loại thức uống dân dã, đậm vị quê nhà.

Với mong muốn tạo được niềm tin cũng như giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết sản phẩm của cơ sở, chị Ngọc Lan chủ động đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm đá me. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất, từ tháng 12 năm này đến tháng 3 năm sau, cơ sở thu mua me, trữ lạnh để sản xuất dần, lúc được mùa có thể đạt khoảng 5-10 tấn. Ngoài đá me Chân Ý, Cơ sở chế biến thực phẩm Ngọc Lan còn có một số sản phẩm khác như nước sốt me xào chua ngọt, tắc xí muội, chanh muối, muối tiêu, muối ớt, cà na sấy dẻo, tất cả sản phẩm đều được xếp hạng 03 sao.

Từ loại thức uống dân dã, nguồn gốc tự nhiên có lợi cho sức khỏe, nay đá me, chanh muối, muối ớt,… được nâng tầm sản phẩm công nghiệp nông thôn

Để các sản phẩm đủ điều kiện được công nhận, các đơn vị, địa phương đang hỗ trợ xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, ISO... cho các sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng, nâng cấp sản phẩm OCOP với phương châm “chất lượng hơn số lượng”. Từ các chính sách nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất, chế biến; hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; cải tiến bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh quảng bá và kết nối tiêu thụ từ đó hình thành các chuỗi liên kết, hướng đến phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, bền vững với môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa trong sản xuất OCOP. Trong đó, chú trọng nhất là các giải pháp xúc tiến và tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Việt Hằng – Lê Hạnh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu