Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 09:43 (GMT +7)
Bến Lức tăng cường giải pháp quản lý việc dạy thêm, học thêm
Thứ 4, 25/10/2023 | 10:29:01 [GMT +7] A A
Tại huyện Bến Lức, những năm gần đây, đa số phụ huynh rất quan tâm đến việc học tập của học sinh, nên việc cho con đi học thêm là nhu cầu phổ biến. Tuy nhiên, từ một phong trào học tập được khuyến khích là kèm cặp, bổ trợ, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh, thì việc dạy thêm, học thêm trong thời gian gần đây có nhiều bất cập, hạn chế. Trước tình hình thực tế trên, huyện Bến Lức tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý việc dạy thêm, học thêm và giải pháp quản lý, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của huyện.
Theo nhiều nguyên nhân dẫn đến việc dạy thêm, học thêm còn có nhiều bất cập như hiện nay đó là vẫn còn một bộ phận giáo viên chạy theo thành tích, nên buộc học sinh phải học thêm. Bên cạnh đó, để tạo thêm thu nhập, một bộ phận giáo viên cũng tìm cách để học sinh buộc phải tham gia học thêm. Những thực tế này đã khiến dạy thêm học thêm có nhiều biến tướng, mất đi ý nghĩa ban đầu, trở thành hiện tượng không tốt trong công tác giáo dục - đào tạo.
Để chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm, thời gian qua, huyện Bến Lức đã có nhiều giải pháp can thiệp, tăng cường công tác quản lý dạy thêm, học thêm. Trong đó, chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường thực thuộc tiếp tục quán triệt các văn bản quy định của cấp trên, trong đó có Quyết định của UBND tỉnh Long An, chỉ đạo, nhắc nhở kịp thời đến các trường trực thuộc về việc tăng cường quản lý, chấn chỉnh dạy thêm, học thêm.
Hiện nay, không có giáo viên tiểu học, THCS tổ chức dạy thêm trong và ngoài nhà trường trái với quy định. Phòng Giáo dục và Đào tạo đã kiểm tra 18 đơn vị, chưa phát hiện trường hợp giáo viên dạy thêm trái với quy định. Không có giáo viên dạy trước chương trình lớp 1. Đồng thời, yêu cầu hiệu trường các trường trực thuộc quán triệt đến tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên chấp hành tốt quy định về dạy thêm, học thêm theo Thông tư 17 ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ: Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập.
Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Chị Trần Thị Thu Vân, thị trấn Bến Lức chia sẻ:“Tôi ủng hộ chủ trương về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về dạy thêm, học thêm của UBND huyện. Mặc dù việc học thêm là tự nguyện nhưng nếu như giáo viên mở lớp mà không cho con đi học cũng rất ngại, nên khi có chủ trương cấm học thêm, gia đình tôi mới thoải mái cho con nghỉ ngơi và tham gia các lớp năng khiếu tùy theo sở trường các con”.
Thiết nghĩ, việc quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành giáo dục mà còn có trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền địa phương. Vì thế, trước tiên, để quản lý tốt việc dạy thêm, học thêm phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành GD và ĐT, các nhà trường với các cấp chính quyền xã,thị trấn, để tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi giáo viên; nâng cao hiểu biết của mỗi gia đình và học sinh về dạy thêm, học thêm, mặt khác cần nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy, học tập, công tác quản lý ở mỗi nhà trường./.
Việt Hằng
Ý kiến ()