Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 17:36 (GMT +7)
Bến Lức: Tiếng lòng của thiếu nhi với các cấp lãnh đạo
Thứ 6, 07/06/2024 | 03:22:23 [GMT +7] A A
Chương trình Thiếu nhi gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với lãnh đạo huyện Bến Lức vừa được Huyện đoàn và Hội đồng Đội huyện tổ chức, thu hút đông đảo học sinh, đội viên tham gia. Đây là diễn đàn để các em bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình với lãnh đạo huyện và các ban, ngành…
Tham gia chương trình, hơn 100 em thiếu nhi, đội viên thiếu niên tiền phong (TNTP) Hồ Chí Minh đại diện cho hơn 27.000 đội viên, thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn huyện mạnh dạn trao đổi, bày tỏ ý kiến, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và đặt những câu hỏi liên quan đến nhiều vấn đề mà các em quan tâm như: tình trạng trẻ em bị xâm hại; bạo lực học đường; tai nạn thương tích, đuối nước; an toàn giao thông; mặt trái của việc sử dụng mạng xã hội hiện nay; vấn nạn hút thuốc lá điện tử trong học sinh;... Lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể đã trao đổi, giải đáp thấu đáo từng câu hỏi các em đưa ra.
Tăng cường bảo vệ trẻ em, ngăn chặn bạo lực học đường
Trước câu hỏi của em Nguyễn Ngọc Trâm Anh, Trường Tiểu học Thuận Đạo, thị trấn Bến Lức về những giải pháp để hạn chế tối đa các trường hợp trẻ em bị xâm hại, đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục-Đào tạo và Phòng Lao động, Thương binh-Xã hội huyện cho rằng, để đảm bảo an toàn cho trẻ khỏi bị xâm hại, trước hết các em phải tự trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ; phải biết làm chủ cơ thể mình, không để bất kỳ ai đụng vào cơ thể. Bên cạnh đó, UBND huyện có văn bản chỉ đạo các cấp, ngành quan tâm, tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tùy theo điều kiện. Phòng LĐ, TB&XH cũng đã tổ chức các lớp kỹ năng sống, giáo dục giới tính và kỹ năng giúp trẻ tự bảo vệ khỏi bị xâm hại.
“Hãy nói không với những đụng chạm, chia sẻ hình ảnh riêng tư của mình trên mạng xã hội. Phải hết sức cẩn trọng với những người bạn chưa quen biết trên mạng xã hội và cẩn trọng khi tiếp xúc với những người bạn mới quen. Nếu trường hợp đi học về, thấy ai đó đi theo mình, các em cần tìm kiếm sự giúp đỡ bằng cách điện thoại cho ba mẹ đón về, tuyệt đối không đi theo người lạ, không nhận quà của người lạ. Đặc biệt, các em phải thuộc số điện thoại 111 của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em. Đây là đường dây khẩn cấp hoạt động 24/24 giờ, tiếp nhận thông tin mọi lúc, bảo vệ các em ở mọi nơi”, ông Võ Thanh Sơn, Phó Trưởng Phòng Giáo dục-Đạo tạo huyện nhấn mạnh.
Đối với lo lắng của em Nguyễn Thị Yến Nhi, Trường THCS Lương Bình về tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng, giải pháp để ngăn chặn, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện – Võ Thanh Sơn cho hay: Đây là vấn đề nóng được toàn xã hội quan tâm. Những năm qua, ngành Giáo dục đã đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường. Giải pháp quan trọng hàng đầu là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh; triển khai các biện pháp xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện, tích cực, tiến đến xây dựng ngôi trường hạnh phúc.
Cùng với đó, Phòng GD&ĐT phối hợp các ngành tổ chức tập huấn cho giáo viên, tổng phụ trách đội về công tác tư vấn học đường để ngăn chặn, giải quyết những mâu thuẫn manh nha trong trường học. Các trường học chú trọng tổ chức các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa để rèn kỹ năng, tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh giao lưu, gắn kết; phối hợp với phụ huynh học sinh nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh; phối hợp với địa phương, công an xử lý nghiêm các vụ bạo lực học đường,…
“Thông qua chương trình này, tôi mong muốn các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, nhà trường, gia đình sẽ lắng nghe, gần gũi với thiếu nhi, đội viên nhiều hơn để hiểu các em cần gì, từ đó có những giải pháp cụ thể để góp phần bảo vệ, chăm lo cho các em. Tôi cũng mong mỗi học sinh, đội viên sẽ tích cực nói lời hay, làm việc tốt, lan tỏa những điều tốt đẹp, hướng đến xây dựng ngôi trường hạnh phúc. Đặc biệt, các em cần trang bị cho mình kỹ năng xử lý khi chứng kiến một vụ bạo lực học đường hoặc khi mình là nạn nhân của bạo lực học đường” - ông Võ Thanh Sơn chia sẻ.
Phát huy quyền tham gia của trẻ em
Thời gian qua, lãnh đạo huyện và các ban, ngành, địa phương luôn quan tâm các hoạt động phát huy quyền tham gia của trẻ em. Chương trình Thiếu nhi gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với lãnh đạo huyện về các vấn đề liên quan đến thiếu nhi, đội viên được Huyện đoàn và Hội đồng Đội huyện tổ chức hằng năm chính là để phát huy quyền tham gia của trẻ em; truyền gửi các thông điệp, khuyến nghị của thiếu nhi đến lãnh đạo huyện, các vị đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện và các ban, ngành, đoàn thể. Qua đó thúc đẩy việc nghiên cứu, hoạch định, ban hành các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án phù hợp với thiếu nhi, tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ thiếu nhi ngày càng đạt hiệu quả cao.
Em Nguyễn Thanh Truyền,Trường THCS Trương Thế Sinh (xã Thạnh Đức) chia sẻ: “Chương trình đã tạo điều kiện để em và các bạn nói lên những vấn đề liên quan đến thiếu nhi… Mong rằng hoạt động này được tổ chức thường xuyên hơn để chúng em có cơ hội nói lên những khó khăn đang gặp phải, từ đó yên tâm học tập, rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan của Bác Hồ”.
Chị Trần Thị Thùy Trang, Phó Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện cho biết: “Tôi rất xúc động khi được nghe những tâm tư, suy nghĩ từ đáy lòng của thiếu nhi huyện nhà. Từng ý kiến của các em rất thiết thực, đi thẳng vào các vấn đề góc cạnh của cuộc sống. Tôi mong muốn các em thiếu nhi, đội viên tiếp tục mạnh dạn, tự tin phát huy quyền tham gia, đưa ra ý kiến, kiến nghị của mình về những vấn đề các em quan tâm. Cùng với các ban, ban ngành, đoàn thể, Huyện đoàn, Hội đồng Đội huyện sẽ tiếp tục là địa chỉ tiếp nhận ý kiến, trao đổi của thiếu nhi, đội viên về những vấn đề các em quan tâm; từ đó có những giải đáp, đưa ra định hướng giúp các em có được môi trường tốt nhất để học tập và rèn luyện, phát triển toàn diện”./.
Việt Hằng
Ý kiến ()