Thứ Bảy, 01/02/2025 12:46 (GMT +7)

Bến Lức: Tuổi trẻ giữ gìn nét văn hóa Tết Việt

Thứ 7, 01/02/2025 | 10:29:31 [GMT +7] A  A

Tết Nguyên đán hay Tết cổ truyền của dân tộc chứa đựng những giá trị văn hoá tốt đẹp mà ông cha ta đã vun đắp, gìn giữ và trao truyền qua các thế hệ. Đây không chỉ là thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới mà còn là dịp sum vầy, gắn kết các thế hệ và đặc biệt hơn là lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Trải qua qua bao thăng trầm của thời gian, ngày nay dù mọi người đã đón Tết theo cách mới mẻ hơn, phù hợp với nhịp sống hiện đại, thế nhưng các bạn trẻ vẫn rất trân trọng và gìn giữ những giá trị truyền thống tết xưa.

Với chị Trương Thị Ngọc Huyền, xã An Thạnh huyện Bến Lức, Tết là khoảng thời gian để gia đình sum họp bên nhau cùng nhau dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, quây quần làm bánh mứt và chuẩn bị mâm cơm tất niên. Năm nào cũng vậy, ngay từ rằm tháng 10 âm lịch, chị đã bắt đầu trồng hoa để tết đến kịp trang trí nhà cửa cho rực rỡ. Từ rằm tháng Chạp thì gia đình bắt đầu lặt lá mai. Những ngày cận Tết, chị tất bật dọn dẹp, đi chợ sắm sửa dụng cụ để trang trí nhà cửa, làm dưa kiệu… Chị còn đặc biệt thích tự tay làm bánh, mứt để đãi khách trong những ngày tết. Bận rộn với nhiều công việc, thế nhưng chị Ngọc Huyền luôn cảm thấy vui khi tự tay làm những điều này. Với chị đó như một phần không thể thiếu, là nét đẹp của ngày Tết.

Bạn Nguyễn Quốc Bảo quây quần cùng người thân trong gia đình chuẩn bị các công đoạn gói bánh tét

Bên cạnh việc tự tay làm những loại mứt phổ biến của ngày tết để phục vụ cho bữa ăn, tiếp đãi khách hay biếu tặng người thân trong dịp tết, nhiều bạn trẻ vẫn háo hức cùng với người lớn trong gia đình tự tay gói bánh ít, bánh tét để cúng ông bà, đãi khách. Đây không chỉ là nét đẹp truyền thống được lưu giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình mà còn thể hiện một điều rằng thế hệ trẻ hôm nay vẫn luôn trân trọng những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tùy theo nhu cầu của mỗi gia đình mà mọi người có thể gói bánh ít, bánh tét từ 29, 30 Tết cho đến mùng 1, mùng 2 hay mùng 3.

Quây quần cùng người thân trong gia đình chuẩn bị các công đoạn gói bánh tét, bạn Nguyễn Quốc Bão, xã An Thạnh chia sẻ: Năm nào cũng vậy, tết dù có bận rộn đến mấy gia đình mình cũng tụ họp đầy đủ tại nhà bà ngoại để gói bánh ít, bánh tét. Mỗi người một việc, người lau lá chuối, người đong nếp, vo nếp, nhồi bột, xẻ thịt, nắn nhân...trong không khí tật bật mọi người đều vui vẻ vừa làm vừa trò chuyện. Đặc biệt là nghe bà, các cô, các dì kể chuyện về Tết xưa. Đó cũng là khoảnh thời gian giúp cả nhà thêm gắn kết và hiểu nhau hơn.

 Tết Việt sẽ mãi là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là lời nhắc nhở về cội nguồn, về những giá trị văn hóa bất biến giữa dòng chảy không ngừng của thời gian

Còn với chị Phan Nguyễn Nguyệt Minh, xã Thạnh Hòa thì tết không chỉ là thời gian để cả gia đình sum họp mà còn là dịp để chị kể cho con, cháu của mình về những truyền thống tốt đẹp ngày tết cổ truyền của dân tộc. Chị kể cho con mình nghe về ý nghĩa của ngày tết, những phong tục diễn ra trong ngày tết như: việc cúng ông Táo, ngày tảo mộ, đưa và rước ông bà, cúng giao thừa, việc mừng tuổi ông bà…Đặc biệt chị cũng kể cho con, cháu mình nghe về nét đẹp “Mùng 1 tết cha, Mùng 2 tết mẹ, Mùng 3 tết thầy”. Chính từ việc được nghe, được hướng dẫn và được trải qua những điều đó sẽ giúp cho con chị thấm sâu hơn vào tiềm thức những nét đẹp truyền thống ấy của dân tộc.

Chúc sức khỏe ông bà, nhận quà lì xì của ông bà

Chị Nguyệt Minh chia sẻ: Tôi nghĩ rằng việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để hòa nhập mà không hòa tan là nhiệm vụ chung của thế hệ trẻ - những người chủ tương lai của đất nước. Bởi vậy thế hệ trẻ ngày nay ngoài nhiệm vụ học tập, làm việc để khẳng định giá trị bản thân còn phải đảm đương trọng trách giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền Việt Nam.

Một nét văn hóa tốt đẹp được các trẻ giữ gìn và phát huy nữa đó chính là mặc áo dài đi chúc tết, dạo phố hay chụp lại những bộ ảnh thật lung linh để lưu giữ kỷ niệm ngày tết. Nhiều gia đình vẫn giữ nét truyền thống cả nhà mặc áo dài thật đẹp đến chúc Tết ông bà. Sau đó, cùng quây quần chụp ảnh, lưu giữ lại những khoảnh khắc ấm áp bên gia đình. Những bộ áo dài thướt tha, sắc màu rực rỡ khiến cho không khí Tết càng rộn ràng hơn.

Nhiều gia đình vẫn giữ nét truyền thống cả nhà mặc áo dài thật đẹp đến chúc Tết ông bà

Xã hội ngày càng phát triển, điều kiện sống mỗi gia đình mỗi khác, vì vậy mà cách đón Tết cũng có những nét riêng.  Nhưng tất cả đều chung một điểm tựa là cội nguồn, là gìn giữ những giá trị truyền thống trong dòng chảy hiện đại để Tết Việt không chỉ là ký ức của ngày xưa, mà còn là niềm tự hào, là động lực để mỗi thế hệ tiếp theo giữ gìn và phát huy. Tết Việt sẽ mãi là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là lời nhắc nhở về cội nguồn, về những giá trị văn hóa bất biến giữa dòng chảy không ngừng của thời gian.

Kim Phượng

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu