Để thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả kinh tế, tỉnh Bến Tre đang khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân vùng ven biển, vùng đất chưa ngọt hóa nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Bến Tre hay dần diện tích muối, diện tích lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm công nghệ cao.
Nuôi tôm biển theo kiểu truyền thống hiệu quả kinh tế không cao
Tỉnh Bến Tre có diện tích nuôi tôm biển khoảng 35.000 ha, cho sản lượng hơn 50.000 tấn/năm. Tuy nhiên do còn hạn chế về khâu kỹ thuật, dịch bệnh thường xuyên tái diễn nên hiệu quả của mô hình nuôi tôm biển theo kiểu truyền thống đạt chưa cao và thường xuyên gặp rủi ro.
Để phát triển bền vững và đạt hiệu quả cao, năm 2021, tỉnh Bến Tre phấn đấu thả nuôi ít nhất 500 ha tôm công nghệ cao và đến năm 2025 phát triển 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao kết hợp sản xuất điện mặt trời đang được đầu tư tại xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại.
Nhằm đạt mục tiêu đề ra, các ngành chức năng tỉnh Bến Tre tăng cường công tác chuyển giao kỹ thuật cho người nuôi, kiện toàn hệ thống thủy lợi; hỗ trợ vốn vay ưu đãi, con giống để nhân rộng mô hình. Tại huyện Bình Đại đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên nền đất muối kết hợp với làm năng lượng mặt trời cho lãi cộng hưởng. Nghị quyết của huyện phấn đấu đến năm 2025 phát triển 2.000 ha nuôi tôm công nghệ cao.
Phía dưới mái tole là các ao thả tôm sú cho kinh tế cộng hưởng.
Ông Trịnh Võ Quốc Toàn, Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Đại cho biết thêm: “Hiện tại trên địa bàn huyện đang phát triển vượt bật mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Một số mô hình đang làm: Ở dưới nuôi tôm ở trên làm mái che làm năng lượng. Để thực hiện đạt Nghị quyết của huyện, ngành đang đề xuất về Trung tâm Khuyến nông của tỉnh làm mô hình nuôi tôm công nghệ cao với quy mô nhỏ để cho từng hộ gia đình có thể làm mô hình này mới đạt chỉ tiêu của Nghị quyết”./.
Ý kiến ()