Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 14:53 (GMT +7)
Bị ép giá, nông dân “ghim” mía trên đồng
Thứ 7, 12/12/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Bước vào vụ chế biến chưa đầy một tháng, nhưng các nhà máy đường gặp phải sự phản ứng gay gắt của nông dân. Thay vì trước đây, họ “chạy đôn chạy đáo” để được thu hoạch mía sớm giao cho nhà máy, thì mùa này họ cùng nhau “ghim” mía không thu hoạch, vì cho rằng bị nhà máy đường ép giá và “đánh rớt” chữ đường, gây thiệt hại nặng nề cho bà con.
Nông dân “ghim” mía trên đồng
Ông Nguyễn Đăng Thuận (ngụ thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên) có hợp tác trồng mía với diện tích 800 ha, có hợp đồng tiêu thụ tại nhà máy cho biết: “Giữa tháng 11, tôi thu hoạch và giao cho Nhà máy Đường Biên Hòa gần 1.300 tấn mía. Lượng mía này được bộ phận kỹ thuật của nhà máy đo chữ đường bình quân là 8.3, tạp chất thực tế là 5%, nhà máy hỗ trợ 3%, tôi bị trừ tiền 2%… Thế nhưng, sau đó, Nhà máy Đường Biên Hòa ngưng hoạt động, yêu cầu tôi chở mía giao cho Nhà máy Đường Thành Thành Công (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu). Tôi đưa qua Thành Thành Công 600 tấn mía, nhưng bị nhà máy đánh rớt chữ đường còn 8 CCS; tạp chất bị tính tăng lên 7%, nhà máy hỗ trợ 3%, như vậy tạp chất thực tế tôi bị trừ 4%, tăng gấp đôi so với cách tính của Nhà máy Đường Biên Hòa.
Xe chở mía về nhà máy trên đường Trần Văn Trà, TP Tây Ninh. |
Ông Thuận cho biết thêm, với giống mía ông trồng và ở thời điểm hiện nay, bình quân thấp nhất cũng phải đạt được 9 CCS… Với cách tính của Nhà máy Đường Thành Thành Công, ông Thuận chỉ còn thu được 770.000 đồng/tấn mía. Nếu giá này, bình quân mía của ông Thuận đạt năng suất 60 tấn/ha, sau khi trừ chi phí đầu tư, công đốn chặt (chưa tính tiền lãi vay đầu tư của nhà máy và các chi phí khác), thì ông Thuận chịu lỗ 9 triệu đồng/ha. Trong khi hiện tại, giá mía “sô” (không tính tạp chất hay chữ đường) mà thương lái từ tỉnh Long An lên mua có giá lên đến 960.000 đồng/tấn. Tính ra nông dân bán mía cho nhà máy đường ở Tây Ninh sẽ bị mất 190.000 đồng/tấn”. Theo ông Thuận, do nhà máy đường ở Tây Ninh thu mua giá rẻ hơn so với giá thị trường bên ngoài, nên ông dừng lại việc thu hoạch để yêu cầu Nhà máy Đường Thành Thành Công xem lại vấn đề này.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Triển, hợp tác trồng mía với diện tích 300 ha bức xúc nói, “Năm trước, giá đường xuống thấp, chúng tôi đã chia sẻ với nhà máy đường để chấp nhận mức giá chỉ 950.000 đồng/tấn (10 CCS). Thế nhưng năm nay, khi giá đường đang tăng trở lại từ 2.000 – 3.000 đồng/kg; các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tăng giá, nhưng giá thu mua mía nguyên liệu của các nhà máy tại Tây Ninh lại không tăng theo cam kết là mua theo giá thị trường, chính vì vậy, mặc dù diện tích mía đã đến ngày thu hoạch nhưng tôi để đó, chờ xem các nhà máy đường có thay đổi chính sách gì không?
Về phía nhà máy đường, tuy đã vào vụ chế biến gần một tháng, nhưng 2 Nhà máy Đường Biên Hòa và Thành Thành Công tại tỉnh Tây Ninh vẫn ì ạch, không đủ mía để chạy. Để có đủ nguyên liệu cho Nhà máy Đường Thành Thành Công hoạt động, Nhà máy Đường Biên Hòa phải ngưng hoạt động hơn một tuần lễ (từ 30/11 – 8/12) để dồn mía cho Nhà máy Đường Thành Thành Công; nhưng nhà máy này vẫn không đủ nguồn nguyên liệu hoạt động do nông dân trồng mía không muốn chặt mía để giao cho nhà máy.
Nhà máy đường nói gì?
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách nguyên liệu của Nhà máy Đường Thành Thành Công giải thích rằng, những trường hợp chữ đường bị rớt, khiến người dân bức xúc là do mía của nông dân đưa vào nhà máy nhằm vào lúc trời chưa dứt mưa, cây mía còn phát triển, chữ đường không cao. Do còn mưa, ruộng mía sình lầy, mía không được đưa từ ruộng ra đường để xe đưa về nhà máy kịp thời, bị bỏ bãi lâu, bị phơi ngoài đồng, những trường hợp này khi xe đưa mía về nhà máy, chữ đường cũng sẽ bị tuột điểm hơn các xe khác, mặc dù có chung cùng một diện tích. Ông Hùng cho biết thêm, để cây mía có chữ đường cao, nông dân phải chọn giống tốt, đồng thời phải tuân thủ kỹ thuật canh tác đúng theo hướng dẫn, như sử dụng phân bón đúng chủng loại và đúng theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây mía; mía đưa về nhà máy phải sạch lá, dưới 3% thì nông dân sẽ không bị trừ tạp chất. Ông Hùng thừa nhận giá mua mía của nhà máy ở Tây Ninh hiện nay thấp hơn thương lái ở Long An lên mua là do có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.
Ngày 11/12 trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, do việc giám sát chữ đường của các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay chưa có giải pháp giải quyết căn cơ, nên phát sinh nhiều thắc mắc, khiếu nại về chữ đường giữa nông dân với nhà máy khi tới mùa thu hoạch mía. Theo ông Hùng, đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến diện tích trồng mía của tỉnh bị thu hẹp dần qua các năm. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh vừa có ý kiến đồng ý theo đề nghị của Hiệp hội những người trồng mía của tỉnh được mua thiết bị đo chữ đường, để hội cùng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức lấy mẫu đối chứng chữ đường với các nhà máy. Trường hợp kết quả đo chữ đường của các đơn vị (Hiệp hội, sở nông nghiệp, nhà máy) có khác biệt lớn, gây ảnh hưởng cho người trồng mía, Sở Nông nghiệp và Hiệp hội những người trồng mía có trách nhiệm báo cáo cụ thể, để UBND tỉnh xem xét, giải quyết. Theo ông Hùng, quan điểm của tỉnh là việc lấy mẫu, đo chữ đường phải khách quan, khoa học, công bằng, để không thiệt hại đến quyền lợi của nông dân.
Hiện nay, tại Tây Ninh song song với vụ thu hoạch mía là vào vụ trồng sắn đông xuân, người nông dân đang lưỡng lự lựa chọn giữa 2 loại cây này, nếu các nhà máy đường ở Tây Ninh không kịp thời điều chỉnh chính sách thu mía cho phù hợp, để cùng chia sẻ lợi ích cùng nông dân, vốn đã thua lỗ vì cây mía từ nhiều năm nay, thì diện tích mía có thể sẽ tiếp tục bị giảm mạnh trong thời gian tới.
Ý kiến ()