Chủ Nhật, 24/11/2024 23:27 (GMT +7)

“Bí kíp” để Triều Tiên duy trì sự sống cho nền kinh tế

Thứ 7, 02/04/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un (giữa). (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Tân Hoa Xã dẫn Hãng thông tấn trung ương Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (KCNA) mới đây cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un một lần nữa đã chỉ đạo buổi thử nghiệm hệ thống phóng tên lửa đa nòng mới.

Trước đó, trong buổi chỉ đạo thử nghiệm hệ thống phóng tên lửa đa nòng mới lần đầu tiên, ông Kim Jong-Un đã ra lệnh cho quân đội nước này sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân “bất cứ thời điểm nào” vì mục đích quốc phòng, đồng thời nhấn mạnh Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân của mình

Trước đó, các thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua Nghị quyết số 2270 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề trừng phạt Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sau khi nước này tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư và phóng tên lửa tầm xa.

Các nhà phân tích khuyến cáo rằng nghị quyết số 2270 có thể là lệnh trừng phạt nghiêm ngặt nhất sau khi các chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên diễn ra. Trong thời gian qua, các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế dường như không gây nhiều khó khăn cho kinh tế Triều Tiên khi quốc gia này đã có những sự cải thiện.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại song phương năm 2015 của Trung Quốc với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đạt 5,511 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên đạt 2,945 tỷ USD và con số theo chiều ngược lại là 2,565 tỷ USD.

Cộng với con số kim ngạch thương mại Hàn Quốc-Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đạt 2,713 tỷ USD do Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trong năm 2015 đạt khoảng 8-9 tỷ USD.

Còn theo dự đoán của Tổng cục Thống kê Hàn Quốc, năm 2015, tổng thu nhập quốc dân (GNI) của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đạt khoảng 30 tỷ USD. Với số liệu này, tỷ lệ của thương mại trong nền kinh tế Bắc Triều Tiên vẫn đạt khoảng 27-30%.

Trong khi đó, Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc cho hay Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Triều Tiên chỉ đạt 17,4 tỷ USD trong năm 2014, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm này vượt 9,4 tỷ USD, thương mại đối ngoại chiếm tỷ lệ trên 50% trong ngành kinh tế quốc dân. Mặc dù tỷ lệ này có phần cao, nhưng qua số liệu thống kê cho thấy mức độ phụ thuộc của kinh tế Triều Tiên vào nước ngoài là rất lớn.

Các hàng hóa chính mà Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là sản phẩm cơ điện, sản phẩm công nghiệp dầu khí, phương tiện giao thông và linh kiện, dầu thành phẩm và một số thực phẩm. Như vậy, ngành công nghiệp và nông nghiệp của Triều Tiên còn kém phát triển, quốc gia này buộc phải lệ thuộc vào nhập khẩu để đảm bảo cho sự vận hành bình thường của cả xã hội và nền kinh tế. Khi mất đi sự bổ sung này, xác suất kinh tế Triều Tiên gặp phải những vấn đề lớn sẽ khá cao.

Ngoài ra, các số liệu trên còn chưa bao gồm dầu thô, theo thống kê số liệu xuất khẩu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, từ năm 2014, số dầu thô xuất khẩu sang Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên luôn là con số không. Tuy nhiên, việc nhập khẩu một lượng dầu thành phẩm không nhiều sẽ không thể đáp ứng nhu cầu tối thiểu của Triều Tiên và vì vậy, nước này còn phải dựa vào nguồn viện trợ nhân đạo.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 2270 không gia tăng số lượng mặt hàng nhập khẩu cần hạn chế đối với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Vì Trung Quốc và Nga kiên quyết phản đối lệnh trừng phạt có thể khiến “xã hội Triều Tiên sụp đổ,” nên cuối cùng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chỉ mở rộng phạm vi cấm vận ra các loại vũ khí, thiết bị và công nghiệp liên quan trực tiếp đến hoạt động vũ khí hạt nhân và các loại nhiên liệu hàng không, tên lửa.

Những mặt hàng này không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân Triều Tiên. Đồng thời, do xem xét đến sự ảnh hưởng lớn đối với cuộc sống của người dân Triều Tiên, có thể Trung Quốc cũng sẽ không ngừng nguồn cung dầu mỏ cho nước này, song cũng sẽ bị cắt giảm một phần nào đó.

Theo một số nhà phân tích, kể từ khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong-Un đã có một số nỗ lực trong việc phục hồi và phát triển kinh tế đất nước, chính sách cơ bản kế thừa phương châm điều chỉnh được áp dụng ở cuối thời kỳ cố lãnh đạo Kim Jong Il nắm quyền.

Vì vậy, tình hình kinh tế Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vài năm gần đây phục hồi chậm, xã hội có xu hướng ổn định. Ví dụ như vấn đề cung ứng thực phẩm được cộng đồng quốc tế quan tâm nhất, sau khi Triều Tiên nỗ lực mở rộng một số công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp, nguồn cung cấp phân hóa học có nhiều cải thiện, tiếp tục thực hiện chính sách khoán hộ trong nông nghiệp, từ năm 2010 trở đi, dưới sự viện trợ không nhiều của cộng đồng quốc tế, về cơ bản sản lượng lương thực của Triều Tiêu cũng đáp ứng được nhu cầu của người dân trong nước.

Với vai trò là một quốc gia đang phát triển chỉ có khoảng 25 triệu dân, cho dù xét về trình độ khoa học kỹ thuật, lĩnh vực công nghiệp hay sự phong phú của nguồn tài nguyên, đều không thể có đủ khả năng tách khỏi vòng tuần hoàn quốc tế, độc lập duy trì một hệ thống kinh tế cận hiện đại. Trong tổng kim ngạch thương mại toàn cầu lên tới hàng chục nghìn tỷ USD, tỷ trọng của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là rất khiêm tốn. Tuy vậy, lĩnh vực thương mại lại có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế Triều Tiên.

Mặc dù Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên rất ít công bố số liệu kinh tế đáng tin cậy, nhưng dựa vào nguồn tư liệu do các đối tác thương mại quan trọng của Triều Tiên công khai, số liệu xuất nhập khẩu của nước này tương đối rõ ràng.

Bắt đầu từ năm 1991, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, kim ngạch trao đổi thương mại Trung Quốc-Triều Tiên vài năm gần đây chiếm khoảng 2/3 tổng kim ngạch thương mại của nước này (trên hầu hết các phương tiện truyền thông, con số này lên tới 90% và đây là kết quả dựa vào số liệu thống kê của Hàn Quốc)./.

AQ (TTXVN/Vietnam )

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu