Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã có ý kiến lần thứ nhất về dự thảo quy định này và đang tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện, ban hành. Cùng với đó, để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thành phố cũng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, người đứng đầu trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; hoàn thiện các quy định về phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng cho sát với thực tiễn thành phố và phù hợp với các quy định của pháp luật. Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua thanh tra, kiểm tra, giải quyết tố cáo, xử lý tố giác, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ công chức, viên chức.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nói: “Người đứng đầu phải gương mẫu, liêm khiết và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng xảy ra tại địa phương, cơ quan đơn vị mình và chịu trách nhiệm khi để cơ quan, địa phương do mình lãnh đạo xảy ra tham nhũng, lãng phí. Tất cả các cơ quan đơn vị đừng nghĩ tham nhũng là ở chỗ khác, mà phải luôn luôn rà soát, kiểm tra lại đơn vị mình xem có việc đó không”.
Năm 2015, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra, dù đã có một số kết quả cụ thể. Tham nhũng còn phức tạp và nghiêm trọng, các hành vi tham nhũng còn tiềm ẩn, có tổ chức chặt chẽ, khó phát hiện, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, địa bàn… Chỉ riêng về thái độ ứng xử của công chức, viên chức trong giải quyết công việc hàng ngày, năm 2015, qua kiểm tra ở 593 cơ quan, đơn vị, tổ chức, đã có 974 trường hợp thuộc 33 cơ quan phải thay thế, chuyển đổi do có dấu hiệu nhũng nhiễu hoặc không phù hợp./.
Ý kiến ()