Trong những năm qua, chính quyền, ngành chức năng và người dân đã triển khai nhiều giải pháp để ứng phó.
Cụ thể, như đầu tư xây dựng thủy lợi, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào kỹ thuật canh tác, sản xuất giống cây trồng chịu hạn… Tuy nhiên, để Tây Nguyên phát triển bền vững thì cần phải trả lại môi trường sinh thái tự nhiên, trong đó việc bảo vệ và phát triển rừng đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Để ứng phó với hạn hán khốc liệt do biến đổi khí hậu, một trong những giải pháp ngắn hạn đang được các tỉnh Tây Nguyên quan tâm đó đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công trình thủy lợi. Lâm Đồng là địa phương tiên phong về xã hội hóa trong lĩnh vực này. Theo kế hoạch đến năm 2020, tỉnh này sẽ đào mới khoảng 5.500 ao, hồ nhỏ với tổng kinh phí 125 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp một nửa.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, công trình tuy nhỏ, nhưng hiệu quả lớn, năm vừa qua nhân dân đã đào được hơn 1.300 công trình.
“Thực hiện đề án đào ao hồ nhỏ thì cực kỳ hiệu quả. Nguồn kinh phí chỉ khoảng 160 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 80 tỷ đồng, nhà nước hỗ trợ 80 tỷ đồng nhưng mà tưới được trên 8.000ha. Bà con rất hưởng ứng, đến mức kinh phí đối ứng của nhà nước không đủ cho bà con đào ao. Qua việc đào ao mà hạn hán của chúng tôi đã giảm đến mức tối thiểu” – ông Nguyễn Văn Sơn cho biết.
Mô hình liên kết 3 nhà: nhà khoa học – doanh nhân – người nông dân đang triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm chủ động trước những khó khăn của biến đổi khí hậu. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã và đang liên kết với nông dân để thực hiện sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn mang tính bền vững. Những thành công ban đầu được rút ra từ công tác quản lý chặt chẽ từ khâu chọn giống, phân bón hợp lý, tưới nước tiết kiệm và trồng cây che bóng chắn gió … cho đến giải pháp phối hợp bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch giữa doanh nghiệp và người nông dân luôn được chú trọng.
Về một số giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Trần Thanh Sơn – Phó giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Thương mại Công Bằng Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, cho biết thêm: “Đặc biệt là chống biến đổi khí hậu thì hợp tác xã khuyến khích bà con sử dụng nguồn nước từ ao hồ và nước giếng khơi, chứ không sử dụng giếng khoan. Vì đây cũng nằm trong chương trình chống biến đổi khí hậu”.
Theo ông Nguyễn Nhĩ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai: “Đất lâm nghiệp là phải trả về cho lâm nghiệp. Chúng tôi cũng khắc phục và chuyển một số diện tích đất trống, một số đất thu hồi để trồng rừng trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Riêng năm 2017,chúng tôi phấn đấu trồng 7.000 ha rừng. Đây là nhiệm vụ có chỉ tiêu hết sức cao so với các năm về trước”.
Những năm gần đây, khu vực Tây Nguyên liên tục hứng chịu thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu, với những trạng thái thời tiết cực đoan. Năm ngoái, toàn vùng đã trải qua đợt hạn hán khốc liệt nhất trong lịch sử, với khoảng 140.000 ha cây trồng ảnh hưởng, chủ yếu là cà phê, hồ tiêu; hơn 43.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã hỗ trợ 108 tỷ đồng để khắc phục hậu quả và xuất cấp 2.000 tấn gạo cứu đói giáp hạt.
Trong khi đó từ đầu năm nay, mưa phùn lại xuất hiện và kéo dài ngay trong mùa khô, tiếp tục gây thiệt hại đối với cây trồng trên diện rộng. Và hiện nay, mùa mưa đã tới, nỗi lo về lũ quét, ngập úng đã cận kề, chắc chắn không tránh khỏi thiệt hại. Rồi cuối năm, các địa phương lại đề nghị Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả và cứu đói.
Đành rằng sự hỗ trợ của Chính phủ là rất kịp thời, giúp người dân khắc phục được khó khăn trước mắt. Thiết nghĩ, số ngân sách này cùng với các nguồn lực khác được chủ động đầu tư để triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu thì chắc chắn sẽ giảm thiểu được thiệt hại đáng kể. Và, trong rất nhiều giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên hiện nay chỉ mới là trước mắt, khôi phục lại rừng tự nhiên mới là cốt lõi lâu dài./.
VOV-VN
Ý kiến ()