Thứ Bảy, 30/11/2024 09:33 (GMT +7)

Bình Thuận đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu từ 0 giờ ngày 8/8

Thứ 7, 08/08/2020 | 09:32:00 [GMT +7] A  A

Chiều 7/8, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản hỏa tốc về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Theo đó, kể từ 0 giờ ngày 8/8/2020, tỉnh tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu để phòng chống dịch COVID–19.

Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ tại Bình Thuận được hoạt động phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân đã nỗ lực, đoàn kết, cố gắng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nhờ đó, tỉnh Bình Thuận đã liên tiếp 147 ngày không có ca mắc mới. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các tỉnh, thành phố lân cận Bình Thuận đã xuất hiện ca bệnh như: Đồng Nai, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh. Bình Thuận là tỉnh có nhiều khách du lịch, chuyên gia người nước ngoài và đến nay đã có gần 3.000 người đi về từ Đà Nẵng, Quảng Nam. Mặc dù tất cả đều được các cơ quan y tế theo dõi, giám sát chặt chẽ, cách ly y tế, nhưng nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh rất cao.

Nhằm tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, kể từ 0 giờ ngày 8/8/2020, Bình Thuận tạm dừng các sự kiện văn hóa – thể thao tập trung đông người; tạm dừng các lễ hội, lễ nghi tôn giáo lớn, hội chợ, hội nghị, hội thảo chưa cấp thiết; tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như: rạp chiếu phim, karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường. Hạn chế tập trung đông người tại tiệc cưới, tang lễ.

UBND tỉnh đề nghị người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ được hoạt động phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như: Trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm khoảng cách khi tiếp xúc. Nhà máy, cơ sở sản xuất phải thực hiện các biện an toàn về pháp phòng, chống dịch cho công nhân, người lao động.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch bệnh cho cán bộ, công chức, người lao động và khách đến giao dịch, làm việc tại cơ quan, đơn vị mình; không tổ chức liên hoan, tiệc mừng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Y tế bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế thiết yếu, sinh phẩm, khẩu trang, nhân lực, nhất là các đội phản ứng nhanh; tiếp tục rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất, các điều kiện cần thiết các cơ sở cách ly tập trung để sẵn sàng tiếp nhận người đến cách ly; rà soát, điều chỉnh lại phương án, kịch bản ứng phó với từng cấp độ dịch bệnh cho phù hợp; tăng cường năng lực xét nghiệm trên diện rộng, nhất là khi có ca nhiễm trong cộng đồng.

* Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Ninh đã quán triệt các cơ sở y tế nâng cao mức cảnh giác, quyết liệt chống dịch ở mức độ cao, tránh lây lan trong các cơ sở y tế.

Bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh đo thân nhiệt cho bệnh nhân đến thăm, khám.

Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh là đơn vị tuyến đầu của tỉnh trong công tác khám và điều trị bệnh. Mỗi ngày, Bệnh viện thu hút gần 1.000 bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú; trên 1.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Thời gian qua, Bệnh viện đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó khi dịch bệnh xảy ra, trong đó khâu chủ chốt là tránh dịch bệnh lây lan trong Bệnh viện.

Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh Trần Văn Thuyết cho biết: Khoa Khám bệnh là đơn vị đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân. Để phòng chống, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2, Khoa thực hiện nghiêm quy trình công tác chống dịch. Một trong những giải pháp mạnh mẽ được Khoa đặc biệt chú trọng là tăng cường tuyên truyền người dân thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, tạo thói quen cho người dân không chỉ trong Bệnh viện mà trong cuộc sống hàng ngày.

Bà Nguyễn Thị Hỹ, xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) mắc bệnh tiểu đường nhiều năm, thường xuyên đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh. Bà Hỹ cho biết, trước tình hình cả nước xuất hiện nhiều trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19, bà rất lo lắng. Để bảo vệ bản thân, bà thường xuyên sát khuẩn tay và đeo khẩu trang đến các cơ sở y tế. Đặc biệt, khi đến bệnh viện được các y, bác sĩ kiểm tra thân nhiệt và hướng dẫn khai báo y tế, bà ủng hộ và nghiêm chỉnh chấp hành.

Bên cạnh kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh dịch từ ngoài vào trong bệnh viện, Bệnh viện đưa ra quy định mỗi bệnh nhân chỉ được một người nhà chăm nuôi để hạn chế số lượng người đến bệnh viện; bố trí các bàn trang bị rửa tay sát khuẩn ngay từ cổng bệnh viện, chân cầu thang, trước cửa mỗi phòng bệnh; cử người giám sát, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm túc. Bệnh viện đã chủ động nâng cao năng lực chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu khi có nhiều bệnh nhân mắc COVID-19; thành lập đội phản ứng nhanh gồm 70 y, bác sỹ có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch và điều trị bệnh.

Việc phòng, chống dịch bệnh tại các trung tâm y tế tuyến huyện cũng được đặc biệt chú trọng. Ông Phạm Văn Vũ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lương Tài cho biết, tỉnh Bắc Ninh đã kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch bệnh ở mức cao nhất; cập nhật, đưa ra các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh, tuyên truyền sâu rộng đến bệnh nhân và người nhà đến điều trị tại Bệnh viện, cũng như nhân dân địa phương…

Bắc Ninh hiện chưa xuất hiện ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng, nhưng ngành Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế tiến hành triển khai đồng bộ các giải pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh tại các cơ sở y tế theo các kịch bản phòng, chống dịch ở mức cao nhất. Bắc Ninh đã thống kê trên 7.000 trường hợp đi từ Đà Nẵng, xét nghiệm trên 400 người có nguy cơ cao (kết quả 100% âm tính với SARS-CoV-2). Đặc biệt, Bắc Ninh đưa vào cách ly hàng nghìn chuyên gia nước ngoài sang làm việc tại Bắc Ninh đúng quy định.

Ngoài ra, ngành Y tế tỉnh Bắc Ninh tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, vật tư y tế cho công tác phòng, chống, điều trị bệnh, mua sắm thêm các máy xét nghiệm COVID-19 để phát hiện, điều trị bệnh kịp thời; sẵn sàng đưa vào vận hành 2 bệnh viện dã chiến được nâng cấp từ Trung tâm Y tế huyện Gia Bình và Trung tâm Y tế huyện Tiên Du, có thể điều trị cho 600 bệnh nhân.

Nguyễn Thanh – Thanh Thương (TTXVN)
https://baotintuc.vn/dia-phuong/binh-thuan-dong-cua-cac-co-so-kinh-doanh-dich-vu-khong-thiet-yeu-tu-0-gio-ngay-88-20200807231452171.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu