Thứ Ba, 26/11/2024 09:28 (GMT +7)

Bộ KH-CN đã không được thẩm định công nghệ sản xuất của Formosa

Thứ 4, 06/07/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Bộ Khoa học và Công nghệ không được thẩm định công nghệ sản xuất mà Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh sử dung.

Thông tin được đưa ra trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 5/7 tại Hà Nội.

Tại cuộc họp báo, vấn đề được quan tâm nhất là việc xảy ra sự cố môi trường làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nhấn mạnh: Với vai trò, chức năng quản lý của mình, Bộ chủ trì phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các Bộ, ngành thành lập Hội đồng chuyên gia khoa học công nghệ quốc gia, huy động hơn 100 nhà khoa học chuyên ngành hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường có chứng cứ, bổ sung dữ liệu đánh giá, tăng cường độ tin cậy, khách quan trong việc kết luận nguyên nhân hải sản chết hàng loạt tại miền Trung.

bo kh-cn da khong duoc tham dinh cong nghe san xuat cua formosa hinh 0
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ

Chiều 30/6, tại phiên họp báo Chính phủ, nguyên nhân gây ra hiện tượng hải sản chết bất thường đã được công bố. Sau khi có kết luận thì Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị tham gia khắc phục sự cố môi trường trong phạm vi quản lý của mình.

Liên quan đến việc sử dụng công nghệ khi đầu tư của Formosa, ông Đỗ Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Tại thời điểm Formosa đầu tư, cơ quan chịu trách nhiệm xem xét, phê duyệt đầu tư là UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Theo quy định, tỉnh Hà Tĩnh có gửi công văn kèm theo Báo cáo tiền khả thi cho Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2008 xin ý kiến. Với nội dung thông tin trong Báo cáo tiền khả thi, đó là báo cáo sơ bộ, chưa có nội dung đầu tư thì Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời: Công nghệ lò cao truyền thống là công nghệ phổ biến được các nhà máy thép trên thế giới sử dụng và đây không phải công nghệ mới.

Tuy nhiên, toàn bộ quá trình tiếp theo, nhất là việc thiết kế xây dựng nhà máy Formosa ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) thì Bộ Khoa học và Công nghệ không thẩm định mà do Bộ Công thương thẩm định nên trách nhiệm thuộc về Bộ Công thương.

Ông Đỗ Hoài Nam cho biết: “Theo Luật Đầu tư năm 2005, việc xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư là do UBND tỉnh. Thiết kế sản xuất của Formosa là do Bộ Công thương phê duyệt. Hiện nay, các công nghệ vào Việt Nam hầu như chưa được kiểm soát vì chúng tôi chỉ biết về mặt hồ sơ. Khi xảy ra vấn đề, người ta mới hỏi đến Bộ Khoa học và Công nghệ. Đó là một trong những vấn đề mà tôi cho là kẽ hở trong pháp luật hiện nay của chúng ta”.

Trả lời câu hỏi của báo chí về phương án khắc phục sự cố môi trường sau sự cố Formosa xả thải sẽ phải mất thời gian bao nhiêu lâu, kinh phí thế nào, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nhận định rằng ,đây là vấn đề rất rộng lớn.

“Chức năng quản lý chính thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong bộ máy Nhà nước, mỗi cơ quan, đơn vị có một chức năng nhất định, không thể làm thay được. Việc kiểm soát chất thải ở Formosa là trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường. Còn chúng tôi lập hội đồng các nhà khoa học để hỗ trợ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, hỗ trợ cho các cơ quan điều tra có chứng cứ trong việc tìm nguyên nhân, thủ phạm gây ra tình trạng cá chết”- Thứ trưởng Phạm Công Tạc nói.

Theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ Vũ Đức Lợi – Phó Viện trưởng Viện Hóa học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) – Phó Chủ tịch Hội đồng điều tra nguyên nhân cá chết ở miền Trung, việc xây dựng phương án phục hồi và khắc phục sự cố môi trường sau khi xác định Formosa xả thải gây ô nhiễm, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Hội đồng khắc phục sự cố này do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân là Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Tài – Tổng Cục trưởng Tổng Cục môi trường là Phó Chủ tịch. Hội đồng còn có sự tham gia của đại diện của 4 tỉnh miền Trung và đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ.

Phó Giáo sư – Tiến sỹ Vũ Đức Lợi cho biết, các nhà khoa học đang khẩn trương thực hiện các biện pháp đánh giá môi trường, hệ sinh thái biển miền Trung: “Khi hình thành hệ phức keo xyanua, phenol và oxyt sắt sẽ có quá trình hấp phụ và giải hấp phụ. Viện đang nghiên cứu xem trong hệ đó còn bao nhiêu, phân hủy tự nhiên bao nhiêu. Phân hủy như thế nào. Tạo thành những chất trung gian gì thì các nhà khoa học đang phải làm để có số liệu cụ thể. Khả năng cuối tháng 7, chúng tôi sẽ có toàn bộ dữ liệu để công bố”- ông Đức Lợi khẳng định./.

Vân Anh/VOV-Trung tâm Tin

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu