Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan thông tấn báo chí trong việc kịp thời thông tin, phản ánh về các cơ chế chính sách tài chính. Việc phối hợp thông tin giữa Bộ Tài chính và các cơ quan thông tấn ngày càng được tăng cường và có những đổi mới.
Trước nhiệm vụ tài chính ngân sách còn nhiều khó khăn trong thời gian tới, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng mong muốn các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức tốt công tác thông tin tuyên truyền, trong đó tập trung vào những nội dung về thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ và nỗ lực của ngành trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính,quản lý nợ công, quản lý và điều hành giá, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Theo kế hoạch phối hợp tuyên truyền, Bộ Tài chính sẽ chủ động cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho đơn vị chuyên môn của Đài Tiếng nói Việt Nam nói riêng và các cơ quan báo chí nói chung sẽ được tiếp cận, tìm hiểu thực tế và khai thác thông tin về hoạt động ngành tài chính. Về phía các cơ quan báo chí sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong công tác tuyên truyền về cơ chế chính sách, pháp luật về lĩnh vực tài chính trên các phương tiện truyền thông, đồng thời tổ chức đầu mối thu thập, xử lý, chọn lọc và đưa thông tin chính xác, phù hợp với chủ trương của Nhà nước và quy định của pháp luật.
Thay mặt các cơ quan báo chí ký kết quy chế phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ khẳng định, việc ký phối hợp thông tin tuyên truyền giữa các cơ quan thông tấn báo chí, trong đó có Đài Tiếng nói Việt Nam và Bộ Tài chính là cần thiết nhằm kịp thời chuyển tải đến người dân và doanh nghiệp những kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành và việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý điều hành.
Ông Nguyễn Thế Kỷ nói: “Mỗi cơ quan, nhà báo có cách phản ánh thông tin sẽ kịp thời hơn. Chúng tôi có nhân lực, phương tiện, nhưng nguồn thông tin là bên Bộ Tài chính cung cấp thông tin thì quan trọng là phải sớm và chính xác để triển khai. Nhất là khi xảy ra khủng hoảng truyền thông cần có phối hợp chặt chẽ để xử lý. Đối với lĩnh vực tài chính, nhiều vấn đề liên quan hình thành bổ sung hoàn thiện thể chế cần tiếng nói của báo chí, giúp bộ và cơ quan của bộ làm tốt điều này. Chúng tôi mong rằng kế hoạch tuyên truyền sẽ thực chất hơn, hiệu quả hơn”./.
Ý kiến ()