Thứ Sáu, 29/11/2024 22:30 (GMT +7)

Bộ trưởng Công Thương cam kết không để phát sinh các dự án thua lỗ mới

Thứ 4, 01/11/2017 | 14:48:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Bộ trưởng Bộ Công Thương cam kết trước Quốc hội sẽ xử lý 12 đại dự án thua lỗ trong 3 năm tới, đồng thời không để phát sinh dự án thua lỗ mới.

Không để phát sinh dự án thua lỗ mới

Giải trình trước Quốc hội sáng nay (1/11) về việc xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ đang “đắp chiếu” của ngành công thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, các dự án này nội dung rất phức tạp, trải qua nhiều giai đoạn thời kỳ khác nhau, có những vấn đề cả về nguyên nhân chủ quan, khách quan.

bo truong cong thuong cam ket khong de phat sinh cac du an thua lo moi hinh 1
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Để giải quyết tồn đọng của các dự án này, bảo đảm hiệu quả trong quản lý nhà nước, nguồn lực của nhà nước, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, cần phải đánh giá lại hệ thống các vấn đề tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân từ đó đề xuất hướng giải quyết.

Ông Trần Tuấn Anh khẳng định, hiện các công việc liên quan đến 12 dự án thua lỗ “đang đi đúng tiến trình”. Năm 2016 – 2017 Chính phủ lập ban chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ, năm 2017 hoàn tất việc chuẩn bị xử lý, năm 2018 tập trung giải quyết căn bản các dự án, và đến năm 2020 sẽ giải quyết triệt để.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện có 4 dự án trong lĩnh vực phân bón đã khôi phục hoạt động sản xuất, đang từng bước tiếp cận thị trường, có hoạt động thương mại có hiệu quả để từ đó có giải pháp bán vốn, thu hồi vốn của nhà nước. 3 dự án khác trong lĩnh vực xăng sinh học đang khởi động, tổ chức lại, năm 2018 sẽ có hoạt động thương mại, tham gia thị trường, là cơ sở để giải quyết triệt để các dự án này.

bo truong cong thuong cam ket khong de phat sinh cac du an thua lo moi hinh 2
Bộ Công Thương đang tích cực giải quyết các dự án thua lỗ nghìn tỷ (Ảnh minh họa: KT)

Các dự án khác như Giang Thép Thái Nguyên, Thép Việt Trung cũng đang có bước triển khai cụ thể trong việc rút vốn nhà nước, cũng như các giải pháp về công nghệ, giải quyết tồn tại với tổng thầu nước ngoài…, ông Trần Tuấn Anh nêu rõ.

Đồng thời, lãnh đạo ngành công thương cũng nhấn mạnh: Từ việc xử lý những dự án này, sẽ rút kinh nghiệm để không phát sinh dự án thua lỗ mới.

Buôn lậu, gian lận thương mại “nhờn pháp luật”

Đáp lại phản ảnh của các đại biểu Quốc hội về tình trạng buôn lậu và vai trò quản lý của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận thực tế là có nhiều thời gian “không có bóng” của lực lượng chuyên ngành.

Hiệu quả đấu tranh của lực lượng liên ngành còn yếu, có sự đứt khúc trong phối hợp khi quản lý thị trường hoạt động tại địa phương nên sự phối hợp liên ngành, liên địa phương chưa cao. Chất lượng chuyên môn, phẩm chất của lực lượng chuyên ngành, quản lý thị trường là yếu kém tồn tại qua nhiều giai đoạn, ông Trần Tuấn Anh cho biết.

Ông Tuấn Anh cũng cho rằng, một trong số những tồn tại hiện nay là chế tài xử phạt hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại chưa đủ mạnh dẫn đến tình trạng nhờn pháp luật. Trong khi đó, sự phối hợp trách nhiệm của các ngành trong chống buôn lậu chưa có sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên.

Bộ trưởng đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa, tăng các lực lượng liên ngành chống buôn lậu quy mô lớn, tinh vi. Ngoài ra, cần xem xét hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý, đủ chế tài xử lý.

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, trong 12 dự án nêu trên, có 6 nhà máy đang vận hành nhưng bị thua lỗ (gồm 4 nhà máy sản xuất phân bón và nhà máy đóng tàu Dung Quất, nhà máy thép Việt Trung); 3 dự án bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn (gồm dự án: Sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên; bột giấy Phương Nam).

Các dự án bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn là: Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ – PVTex./.

Trần Ngọc/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu