Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 29/11/2024 11:48 (GMT +7)
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam không triển khai chậm mạng 5G
Thứ 6, 06/11/2020 | 15:00:00 [GMT +7] A A
Sáng 6/11, tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn liên quan đến các lĩnh vực Bộ quản lý.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời câu hỏi chất vấn.
Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Sẽ triển khai rộng mạng 5G trong năm 2021
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) về việc triển khai mạng 5G của Việt Nam hiện nay có chậm trễ không, giải pháp nào để hạn chế tối đa sự tốn kém, lãng phí khi triển khai trên diện rộng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc triển khai mạng 5G không chậm. Quá trình thử nghiệm kỹ thuật đã làm trong năm 2019.
“Năm 2020, khi Liên minh Viễn thông thế giới công bố chuẩn, chúng ta tiến hành thử nghiệm thương mại, tức là bắt đầu kinh doanh có thu phí. Năm 2021, chúng ta sẽ triển khai diện rộng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ mạng 2G được Việt Nam áp dụng cùng nhịp với thế giới, từ giai đoạn năm 1992. Tuy nhiên, đến công nghệ mạng 3G và 4G, lại chậm hơn thế giới nhiều năm.
Với công nghệ mạng 5G, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc triển khai sẽ tận dụng 70% hạ tầng công nghệ sẵn có của mạng 4G, tiến hành theo từng giai đoạn. Theo đó, Việt Nam triển khai mạng viễn thông 5G theo pha, pha 1 sẽ thực hiện ở các thành phố lớn, trung tâm đông người, khu công nghiệp và trung tâm nghiên cứu của các trường đại học. Ngoài ra, các nhà mạng cũng sẽ tắt công nghệ 2G và 3G để giảm tải.
“Khi triển khai diện rộng 5G, chúng ta sẽ có thiết bị 5G Việt Nam, chắc chắn chất lượng tốt, giá rẻ hơn và tiết kiệm chi phí cho nhà mạng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.
Cấp phép trên 800 mạng xã hội Việt Nam
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) về mạng xã hội Lotus và sự phát triển của các mạng xã hội trong nước, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết, trong 2 năm gần đây, mạng xã hội Việt Nam có sự phát triển bứt phá. Năm 2018, các mạng xã hội Việt Nam đạt 47 triệu tài khoản (quy mô chỉ bằng khoảng 50% so với các mạng lớn của nước ngoài), nhưng đến nay, con số đã là 96 triệu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thời gian qua, nhiều mạng xã hội mới ra đời. “Chúng ta đã cấp phép đến trên 800 mạng xã hội Việt Nam, tập trung chủ yếu ở thị trường ngách”, Bộ trưởng nói. Các mạng xã hội Việt Nam đều được xây dựng từ nguồn vốn của doanh nghiệp tư nhân, theo cơ chế thị trường và không sử dụng ngân sách Nhà nước. Bộ Thông tin và Truyền thông có vai trò hỗ trợ về truyền thông, tháo gỡ cơ chế chính sách.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay mạng xã hội Lotus có khoảng 3 triệu tài khoản, mạng Gapo có khoảng 6 triệu tài khoản. Đặc điểm của các mạng xã hội trong nước là phát huy thế mạnh về nền tảng dịch vụ chuyên ngành của mình để phát triển thị trường ngách và xây dựng các mạng xã hội chuyên biệt đa dịch vụ, kết hợp với thanh toán qua di động để tạo ra một hệ sinh thái số Việt Nam đáp ứng yêu cầu người sử dụng.
Với đặc điểm như vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Các mạng xã hội đánh vào thị trường ngách có 5-10 triệu tài khoản là cao”.
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh các mạng xã hội trong nước theo hướng chiếm lĩnh thị trường ngách, đặc biệt là các mạng xã hội thế hệ mới với 4 đặc điểm khác biệt với Facebook, đó là mạng xã hội là nền tảng, do vậy sẽ chia sẻ doanh thu với người dùng; có công cụ chọn lọc ngay từ đầu, đảm bảo nền tảng sạch; công khai thuật toán với người dùng; cho phép phát triển các nền tảng con trên nền tảng mẹ để có thể phát triển nhiều cộng đồng nhỏ mang tính văn hóa riêng biệt.
“Việt Nam là một trong số không nhiều nước trên thế giới có các mạng xã hội nội địa tương đương với mạng xã hội nước ngoài”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Hoàn thành xong quy hoạch báo chí trong năm 2020
Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) về quy hoạch báo chí và công tác quản lý báo chí nói chung trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, trong năm nay sẽ thực hiện xong quy hoạch báo chí và Bộ quyết tâm thực hiện mục tiêu này.
Theo Bộ trưởng, tháng 4/2019, Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt quy hoạch thì đến tháng 6/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức triển khai. Từ tháng 8/2019, Bộ và Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với từng cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí.
Tháng 6/2020, Bộ có báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện quy hoạch. Theo đó, 33 tổ chức hội có cơ quan báo, tạp chí đã quy hoạch xong. Ở bộ, ngành có 13/29 cơ quan phải triển khai quy hoạch và hiện còn hai cơ quan đã có phương án nhưng chờ hồ sơ cấp phép. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sau quy hoạch, vẫn còn nhiều công việc khác phải làm như xây dựng cơ quan báo chí chủ lực, chính sách hỗ trợ báo chí…
Có cơ sở nâng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 lên 30%
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (tỉnh Ninh Bình) chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về khả năng hoàn thành mục tiêu nâng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 lên 30% vào năm 2020; sự khác biệt giữa Chính phủ điện tử và Chính phủ số; giải pháp, cách làm mới, nguồn nhân lực để triển khai Chính phủ điện tử.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, để đạt mục tiêu cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 vào năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định cách làm đột phá là sử dụng công nghệ số và phát triển Chính phủ điện tử. Với cách làm này, theo Bộ trưởng, đã có hai bộ đạt 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 là Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông.
“Vừa qua chúng tôi thí điểm tại tỉnh Bến Tre, sau 3 tháng thì tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 từ 6% đã đạt 100%. Sắp tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai trên diện rộng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói. Ông cũng chia sẻ, khó nhất trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến là kết nối. Ở khâu này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng trục kết nối chung, hỗ trợ kết nối thanh toán dịch vụ công trực tuyến với các ngân hàng cho các địa phương. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam cũng đã vào cuộc rất tích cực.
“Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn tin rằng đến hết năm 2020, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đạt hơn 30% và đến năm 2021, chúng ta có thể cung cấp toàn bộ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Về sự khác biệt giữa Chính phủ điện tử và Chính phủ số, Bộ trưởng cho biết Chính phủ điện tử là tin học hóa quy trình, cung cấp dịch vụ trực tuyến, còn Chính phủ số hoạt động trên môi trường số, sử dụng dữ liệu để ra quyết định, cung cấp thêm dịch vụ mới theo nhu cầu người dân. Trong năm nay, Bộ sẽ ký chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số.
Về nhân lực cho Chính phủ điện tử, Bộ trưởng cho rằng, phải có sự thay đổi đối với nhiệm vụ của cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang triển khai chương trình đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử, hình thành mạng lưới chuyên gia, diễn đàn về Chính phủ điện tử.
https://baotintuc.vn/thoi-su/bo-truong-nguyen-manh-hung-viet-nam-khong-trien-khai-cham-mang-5g-20201106141130301.htm
Ý kiến ()