Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 29/11/2024 09:56 (GMT +7)
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu các giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông
Thứ 6, 11/01/2019 | 10:31:00 [GMT +7] A A
Thời gian vừa qua tình trạng an toàn giao thông diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể về các giải pháp để giải quyết tình trạng này.
Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Liên Khương – Đà Lạt khiến 1 người thiệt mạng trong chiều 7/1. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN
Bộ trưởng có thể cho biết nguyên nhân tình trạng an toàn giao thông có diễn biến phức tạp thời gian qua, trong đó có những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực đường bộ?
Có thể nói vấn đề an toàn giao thông đang diễn biến phức tạp. Mặc dù đã có xu hướng giảm dần các vụ tai nạn nhưng lại tăng số vụ nghiệm trọng. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh số phương tiện ngày càng nhanh trong khi cơ sở hạ tầng chưa theo kịp thì việc kiềm chế được số tai nạn giao thông thời gian vừa qua cũng thể hiện những nỗ lực rất cao của cả hệ thống chính trị.
Về an toàn giao thông nói chung, năm 2018 chúng ta đã không đạt được mục tiêu mà Chính phủ đề ra mà chỉ đạt 2/3 chỉ tiêu. Đó là, số vụ tai nạn giao thông giảm 7,1%, số người bị thương giảm 13% nhưng số người chết mặc dù có giảm nhưng không đạt yêu cầu đề ra là giảm 5% mà chỉ giảm được 0,4%.
Về nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông, tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân nhưng rõ ràng đầu tiên phải kể tới là ý thức của một số lái xe hiện nay là chưa tốt. Điều này biểu hiện ở chỗ là nhiều người có bằng cấp đầy đủ nhưng lại không chấp hành các hiệu lệnh. Chẳng hạn như có đèn đỏ thì lại cố tình vượt qua. Hay việc sử dụng rượu bia, ma túy và chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông.
Ngoài ra, những vụ tai nạn nghiêm trọng vừa qua theo đánh giá nguyên nhân có các vấn đề về sức khỏe lái xe; trong đó, có một số vụ lái xe sử dụng chất kích thích. Ngoài ra, cường độ làm việc quá cao của lái xe dẫn đến mệt mỏi cũng là nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn.
Do đó, trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ ban hành một số quy định mới ràng buộc trách nhiệm của chủ phương tiên. Cụ thể là doanh nghiệp kinh doanh vận tải và lái xe theo hướng tăng nặng chế tài, có thể thu bằng vĩnh viễn của những lái xe gây tai nạn nghiêm trọng.
Về góc độ ngành giao thông vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cũng nhận thức được hệ thống hạ tầng giao thông của chúng ta còn yếu kém. Cụ thể, việc duy tu sửa chữa hệ thống đường bộ chưa đáp ứng kịp thời dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Chúng tôi cho rằng, tình trạng duy tu sửa chữa hệ thống đường quốc lộ không được kịp thời một mặt sẽ dẫn đến hệ thống giao thông đường bộ sẽ hư hỏng nhanh hơn và một mặt sẽ đẩy tình hình tai nạn giao thông ngày càng phức tạp hơn.
Với thực trạng trên, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng và sớm ban hành ngay trong Quý I/2019 về Quản lý và duy tu hệ thống đường quốc lộ.
Chúng tôi sẽ báo cáo Quốc hội, Chính phủ về thực trạng đường bộ và các giải pháp để tăng cường công tác duy tu đường quốc lộ. Theo đó, có vấn đề phải xử lý việc thiếu hụt ngân sách cho việc sửa chữa duy tu đường bộ.
Bộ Giao thông Vận tải nhận thấy, việc duy tu, sửa chữa hệ thống đường bộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất bởi đường hỏng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại, sản xuất kinh doanh của nhân dân và các hoạt động kinh tế khác.
Thưa Bộ trưởng, bên cạnh tình trạng tai nạn giao thông trên đường bộ thì năm 2018, ngành đường sắt cũng để xảy ra nhiều vụ tai nạn. Vậy Bộ Giao thông Vận tải đã có giải pháp riêng nào cho ngành đường sắt để kìm chế tai nạn giao thông tại lĩnh vực này?
Về an toàn giao thông đường sắt thời gian vừa qua Bộ Giao thông Vận tải cũng rất quan tâm. Chúng ta đều thấy rằng hệ thống đường sắt hiện tại đang rất yếu kém. Một trong những biểu hiện của việc này là vẫn còn 5.719 đường giao cắt giữa đường sắt và đường bộ. Trong số này còn hơn 1.500 đương giao cắt giữa đường sát và đường bộ mà xe ô tô có thể đi qua được, số còn lại là môt tô, xe máy và người đi bộ.
Với hệ thống còn dày đặc đường giao cắt như vậy, trong khi đường sắt là đường chuyên dụng khi hoạt động sẽ được ưu tiên. Do đó, việc bảo đảm an toàn giao thông đường sắt rất khó khăn.
Với thực trạng như vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam nghiên cứu xây dựng đề án an toàn giao thông đường sắt; trong đó, đưa ra một loạt các giải pháp tập trung giải quyết các điểm giao cắt mà ô tô đi lại được. Để xử lý các điểm giao cắt này có thể làm cầu vượt, đường tránh hoặc đường gom. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị chính quyền địa phương thành lập những tổ tự quản, tự nguyện của người dân nơi có đường sắt đi qua để phối hợp cảnh báo an toàn giao thông mỗi khi có tàu đi qua.
Một giải pháp quan trọng khác là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát chặt chẽ các điểm giao cắt, ngã giao, đặc biệt là những điểm có lưu lượng giao thông qua lại lớn. Còn những ngã giao, điểm giao cắt khác, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo ngành đường sắt bố trí thêm hệ thống đèn, biển cảnh báo, hệ thống còi và các gác chắn tự động…để tăng cường công tác an toàn giao thông trong lĩnh vực đường sắt trong thời gian tới.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang xây dựng đề xuất dự án đường sắt tốc độ cao chạy dọc Bắc – Nam, dự án này sẽ giải quyết căn cơ những bất cập của ngành đường sắt hiện nay. Đặc biệt là những điểm giao cắt với các lĩnh vực giao cắt khác sẽ được triệt tiêu. Khi dự án đường sắt tốc độ cao được thực hiện thì vấn đề an toàn giao thông được sắt sẽ đảm bảo một cách tuyệt đối.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, trong năm nay Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Quốc hội để xin chủ trương đầu tư dự án này.
Lĩnh vực hàng không trong năm 2018 cũng được đặc biệt chú ý qua những sự cố uy hiếp an ninh, an toàn hàng không. Đặt trong bối cảnh chúng ta vừa có thêm một hãng hàng không được cấp quyền thương mại. Vậy, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có giải pháp nào để vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay vừa đảm bảo việc phát triển của ngành hàng không, thưa Bộ trưởng?
Về lĩnh vực hành không, gần đây có một số sự cố kỹ thuật và mốt số sự cố khác khác ảnh hưởng đến an ninh hàng không được dư luận rất quan tâm. Về việc này trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo xử lý quyết liệt. Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản chỉ đạo chấn chỉnh vấn đề an ninh, an toàn hàng không.
Bộ Giao thông Vận tải nhận thấy các vấn đề liên quan đến an toàn, an ninh hàng không có hai nhóm. Nhóm thứ nhất liên quan đến chất lượng kỹ thuật tàu bay.
Theo quy trình, trước mỗi chuyến khai thác mỗi tàu bay đều phải được kiểm định các thông số kỹ thuật, chỉ khi đảm bảo kỹ thuật mới được đưa vào khai thác. Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các cơ quan của Bộ tập trung làm việc với đội ngũ kỹ thuật này để tăng cường công tác kiểm định kỹ thuật tàu bay. Để đảm bảo làm sao mỗi chuyến bay phải đảm bảo về mặt chủ quan là không để xảy ra sai xót, các tàu bay luôn được hoạt động trong tình trạng tốt.
Nhóm thứ 2 là phi công, hiện nay đội ngũ phi công của chúng ta có cả người Việt Nam và người nước ngoài. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có những giải pháp tăng cường kiểm tra, xử lý với những phi công có vấn đề về chuyên môn.
Qua mỗi vụ việc vừa qua của ngành hàng không, Bộ Giao thông Vận tải đều giao cho Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với các Tổ chức chuyên ngành hàng không quốc tế như Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), các hãng sản xuất máy bay (Boeing, Airbus) để tìm ra căn nguyên của mỗi sự cố…từ đó đưa ra giải pháp cụ thể.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, vấn đề đảm bảo an toàn tuyệt đối an toàn, an ninh hàng không trong thời gian tới sẽ phải được tăng cường, quản lý chặt hơn nữa. Bộ Giao thông Vận tải sẽ xử lý nghiêm tổ lái, cơ quan quản lý bay, cảng hàng không và các cơ quan liên quan khác nếu để xảy ra các sự cố.
Đặc biệt đối với những hãng hàng để xảy ra nhiều sự cố hàng không, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tăng cường giám sát đặc biệt. Đây là chế tài khá nghiêm khắc bởi khi chúng ta giám sát đặc biệt thì sẽ ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế rất lớn của các hãng hàng không. Một hãng hàng không khi bị giám sát đặc biệt sẽ ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu và giá trị của doanh nghiệp.
Nói tóm lại Bộ Giao thông Vận tải sẽ xử lý theo hướng tăng cường chế tài, xử lý nghiêm các vi phạm để làm sao hướng đến đảm bảo khi người dân tham gia giao thông cảm thấy yên tâm về mức độ an toàn trong mọi phương tiện giao thông.
Về Hãng hàng không BambooAairways vừa được cho phép khai thác thương mại, Bộ đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam trước khi cấp giấy phép khai thác thương mại phải kiểm tra toàn bộ năng lực của cán bộ và hạ tầng kỹ thuật của Hãng từ người điều hành đến phi công… và tất cả nhân sự, cơ sở hạ tầng của Hãng hàng không Bamboo Airways đã đủ điều kiện nên Cục Hàng không Việt Nam mới cấp giấy phép.
Đặc biệt, trong giai đoạn đầu, Bộ Giao thông Vận tải sẽ quản lý chặt Hãng hàng không Bamboo Airways để uốn nắn, giúp đỡ Hãng hàng không non trẻ này để làm sao Bamboo Airways cũng phải triển mạnh mẽ như Vietjet Air cách đây 7-8 năm.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Ý kiến ()