Thứ Ba, 26/11/2024 10:35 (GMT +7)

Bóng chuyền nữ Đắk Lắk thực tế không như mơ

Thứ 2, 23/01/2017 | 15:09:00 [GMT +7] A  A

Hình ảnh hàng nghìn cổ động viên đứng chật kín các khán đài Nhà thi đấu Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh Đắk Lắk, cổ vũ cuồng nhiệt cho các đội bóng tại giải Bóng chuyền nữ Quốc tế VTV Cup 3 mùa giải liên tiếp (2009, 2010, 2011), cho thấy bóng chuyền có một vị trí đặc biệt trong lòng người hâm mộ. Cũng kể từ đó, Đắk Lắk được biết đến là một trong những địa phương có số lượng người hâm mộ môn bóng chuyền đông đảo, đặc biệt là bóng chuyền nữ.

Năm 2010, ngay từ lần đầu tiên thử sức tại giải đấu hạng A1 Quốc gia, với nòng cốt là các VĐV của Thông tin Liên Việt Postbank, bóng chuyền nữ Đắk Lắk đã tạo ấn tượng tốt khi giành quyền vào vòng Chung kết với vị trí thứ Ba chung cuộc. Những năm sau đó, Trường Năng khiếu Thể dục thể thao đã tập trung xây dựng, củng cố lực lượng vận động viên trẻ bằng cách gửi một số cầu thủ tập luyện tại VTV Bình Điền – Long An, tham gia thi đấu cọ xát, tập huấn tích lũy kinh nghiệm từ những giải đấu.

Bong chuyen nu Dak Lak thuc te khong nhu mo hinh anh

Bóng chuyền nữ Đắk Lắk được VTV Bình Điền Long An hỗ trợ tối đa cả về vật chất và con người trong suốt những năm qua

Dưới sự quan tâm của ông Lê Quốc Phong và ông Huỳnh Quang Vinh, bóng chuyền nữ Đắk Lắk được sự quan tâm và đầu tư cả về nhân lực và vật lực. Ngoài việc được Công ty Cổ Phần Phân Bón Bình Điền tài trợ khoản tiền 300 triệu/năm, các VĐV như Nguyễn Thị Trinh hay H’mia Êban còn được đưa về VTV Bình Điền Long An bồi dưỡng về chuyên môn dưới sự chỉ dạy của HLV Nguyễn Quốc Vũ, Lương Nguyễn Ngọc Hiền hay Nguyễn Văn Hải… để từng bước trưởng thành và trở thành những trụ cột trong đội hình đội Bóng chuyền nữ Đắk Lắk. Không những vậy, trong rất nhiều các giải đấu, VTV Bình Điền Long An cũng san quân nhằm giúp bóng chuyền nữ Đắk Lắk giành được các thứ hạng cao tại các giải đấu mà họ tham dự. Điển hình, với đội hình gồm Nguyễn Hoàng Ánh Ngọc, Nguyễn Thị Kim Thoa, H’mia Êban, Nguyễn Thị Trinh, Nguyễn Khánh Đang… đã giúp bóng chuyền nữ Đắk Lắk thăng hạng tham dự sân chơi cao nhất của làng bóng chuyền Việt Nam trong năm 2017.

Thế nhưng, với những người làm chuyên môn đều hiểu rằng, cơ hội trụ hàng của Đắk Lắk là gần như không có khi lực lượng mỏng và so với mặt bằng chung các đội ở giải VĐQG là quá yếu. Thậm chí tại giải bóng chuyền Cúp Tứ Hùng tổ chức tại Hậu Giang mới đây, dù có cả H’mia Êban và Nguyễn Thị Trinh trong đội hình thế nhưng Đắk Lắk vẫn để thua trắng ngay cả đội bóng A1 Hậu Giang khi không có nổi một sét thắng.

Bóng chuyền nữ Đắk Lắk đã có tiến bộ vượt bậc, tạo bước ngoặt đánh dấu sự trưởng thành nhưng đó là câu chuyện so với chính mình. Thực tế, khoảng cách về trình độ của Đắk Lắk so với các đội bóng ở giải VĐQG vẫn là rất lớn. Ngoài việc đầu tư nâng tầm con người về chuyên môn, bóng chuyền chuyên nghiệp khác bóng chuyền phong trào ở chỗ không ai động viên nhau tinh thần bằng miệng, mà các VĐV Đắk Lắk giờ đây cần hơn sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo địa phương và sự ủng hộ về tài chính mạnh mẽ của các doanh nghiệp, trước khi lãnh đạo đội bóng này vẫn bay bổng giấc mơ cá chép hóa rồng, đứng núi này, trông núi nọ khi toan tính đi mượn quân khắp nơi.

Theo volleyball

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu