Thứ Bảy, 30/11/2024 12:38 (GMT +7)

Buôn lậu thuốc lá và đường cát vẫn nhức nhối ở các tỉnh Tây Nam bộ

Thứ 3, 02/01/2018 | 10:19:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Tình trạng buôn lậu thuốc lá, đường cát, xăng dầu, hàng điện tử, quần áo đã qua sử dụng tại khu vực Tây Nam bộ vẫn diễn phức tạp.

Trong năm 2017, lực lượng chức năng các tỉnh đã bắt giữ hơn 25 ngàn vụ buôn lậu với tổng số tiền trên 520 tỷ đồng. Hiện nay, các đối tượng buôn lậu với thu đoạn ngày càng tinh vi, buôn với số lượng lớn và sẵn sàng chống trả lực chức năng khi hàng hóa bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, xử lý tình trạng phân bón giả đang gặp khó khăn do thông tư còn những bất cập.

buon lau thuoc la va duong cat van nhuc nhoi o cac tinh tay nam bo hinh 1

Công an Đồng Tháp bắt đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu (Ảnh: CAND)

 

An Giang là tỉnh có đường biên giới dài nên các đối tượng buôn lậu nhất là trong mùa nước nổi thường xuyên lợi dụng địa hình phức tạp để vận chuyển hàng lậu. Các đối tượng thường sử dụng ghe, xuồng tốc độ cao để vận chuyển hàng lậu từ biên giới về địa bàn tỉnh với thời gian ngắn, có khi chỉ mất vài phút là hàng lậu đã về đến nơi nên vấn đề kiểm kiểm soát buôn lậu gặp nhiều khó khăn.

Ông Phan Lợi, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang cho biết: Công tác chống buôn lậu sẽ gặp nhiều khó khăn vì thủ đoạn của các đối tượng ngày một tinh vi, tìm đủ mọi cách để qua mặt lực lượng chức năng, tập trung chủ yếu là đường cát và thuốc lá.

Tại tỉnh Long An, lực lượng chức năng tỉnh đã phối hợp bắt giữ và tịch thu gần 2,4 triệu bao thuốc lá nhập lậu. Các đối tượng buôn lậu sử dụng xe ô tô đời mới và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng bằng nhiều hình thức khác nhau từ ngăn cản, cho xe tông thẳng vào lực lượng đang làm nhiệm vụ.

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở công Thương tỉnh Long An cho biết, đa phần người dân sống ở biên giới còn gặp nhiều khó khăn, sinh kế chưa bền vững nên bị các đối tượng buôn lậu dụ dỗ, lôi kéo để tham gia.

Ngoài ra, thông tư 26 đang gây khó khăn trong công tác xử lý tình trạng phân bón giả, lực lượng chức năng phải lên kế hoạch và báo trước khi đi kiểm tra. Vì vậy, việc kiểm tra, xử lý tình trạng phân bón giả gặp nhiều khó khăn, ông Đức cho hay.

Để đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng thường xé nhỏ hàng để vận chuyển bằng xe khách, xe máy với tốc độ cao và được ngụy trang bằng nhiều hình thức nhằm qua mặt lực lượng chức năng.

Ông Nguyễn Minh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp cho biết: Từ giữa tháng 12/2016 đến giữa tháng 11/2017, lực lượng chức năng tỉnh đã bắt giữ và xử lý hơn 2.300 vụ với gần 1.200 đối tượng, tăng hơn 18%. Hàng lậu chủ yếu là thuốc lá, rượu bia và đường cát, quần áo qua sử dụng. Các đối tượng thường đưa hàng đi tiêu thụ tại khu vực nông thôn nơi mà người dân ít được tiếp cận với phương tiện truyền thông, khó khăn cho công tác xử lý.

Thực trạng đang tồn tại nhiều năm mà vẫn chưa thể xử lý là các đối tượng buôn lậu khi gặp lực lượng chức năng thường để lại xe máy, rồi bỏ chạy. Sau đó cử người chủ của xe đến nhận, làm cho lực lượng chức năng không thể xử lý.

Bên cạnh đó, các đối tượng tìm đủ mọi cách để trốn tránh trách nhiệm, đây là thực trạng mà nhiều tỉnh, thành đang gặp phải. Ông Nguyễn Minh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm: Đối tượng trốn tránh thực thi quyết định, khi lực lượng kiểm tra đến thường thì không có nhà. Quyết định sau 1 năm thì hết hiệu lực, lúc đó cũng thua.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở công Thương thành phố Cần Thơ cho biết: Thuốc lá, đường cát vẫn là hai mặt hàng được các đối tượng buôn lậu đưa về để tiêu thụ, ngoài ra buôn lậu xăng dầu và vàng có chiều hướng gia tăng.

Năm 2018 khi một số mặt hàng có thuế suất về không thì tình trạng buôn lậu dự báo sẽ giảm, nhưng tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ gia tăng và tập trung ở một số mặt hàng điện tử và mỹ phẩm. Hiện nay, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật ra nhưng công tác xử lý vẫn còn hạn chế bởi quá trình chuyển giao và tập huấn đã làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước ở cơ sở, ông Toại nêu thực tế.

Dự báo tình trạng buôn lậu sẽ còn diễn biến phức tạp với thủ đoạn và tính chất ngày càng tinh vi, manh động, có tổ chức. Vì vậy, các địa phương cần có những dự báo, nắm bắt tình hình từ cơ sở để có những định hướng trong công tác phòng, chống buôn lậu. Ngoài ra, cần có sự phối hợp, chia sẻ thông tin trong công tác chống buôn lậu giữa các tỉnh, thành với nhau. Qua đó mới có thể giảm thiểu tình trạng buôn lậu trên địa bàn Tây Nam bộ một cách hiệu quả./.

Phạm Hải/VOV-ĐBSCL

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu