Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 14:24 (GMT +7)
Cả nước có gần 100 hồ sơ xin mang thai hộ
Thứ 2, 18/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Hình ảnh minh họa
Đây là thông tin được GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết sau một năm triển khai kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Theo đó, thực hiện Nghị định của Chính phủ về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cho đến nay, Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia đã nhận được gần 100 hồ sơ xin mang thai hộ.
Trong số này, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương có 60 hồ sơ đã được duyệt, thực hiện thành công 46 ca và tại Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) có 19 ca thực hiện thành công trong tổng số 33 hồ sơ được duyệt. Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng cho biết, trong số những ca mang thai hộ được thực hiện thành công trong vòng 1 năm qua, dự kiến trong tháng 1-2016 này sẽ có những đứa trẻ đầu tiên chào đời nhờ kỹ thuật này. Theo quy định về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, những cặp vợ chồng chưa có con chung, người vợ không thể mang thai, sinh nở do các bệnh lý (tim, thận, gan, phổi) và bệnh lý sản phụ khoa, như: không có tử cung, phải cắt bỏ tử cung, sảy thai nhiều lần không rõ nguyên nhân, làm thụ tinh ống nghiệm nhiều lần nhưng chuyển phôi thất bại… có quyền được nhờ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ tại 3 bệnh viện đầu ngành là: Phụ sản Trung ương, Trung ương Huế và Từ Dũ.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến cũng cho biết, sau 1 năm triển khai nghị định trên cho thấy có nhiều vấn đề phát sinh. Chẳng hạn, theo quy định chỉ cho những trường hợp như trên mới được nhờ mang thai hộ, nhưng trong thực tế có nhiều trường hợp trong khi sinh nở vì thủ thuật sản khoa mà đứa con họ bị liệt, tàn tật vì lý do nào đó người vợ không thể mang thai được nữa lại không được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Hay với phụ nữ mang thai lần đầu, không may mắn bị tai biến bắt buộc cắt tử cung để cứu sống mẹ. Người phụ nữ này sau cắt tử cung, noãn vẫn bình thường, người chồng có tinh trùng vẫn bình thường, nếu họ được phép nhờ mang thai hộ khi có nhu cầu sinh thêm đứa con nữa thì chắc chắn nhân đạo hơn.
Bên cạnh đó, thủ tục để hoàn thành một hồ sơ được phép mang thai hộ còn rất nhiều khó khăn về mặt pháp lý mà ngành y tế không can thiệp. Ví dụ như phải hoàn thành hồ sơ, giấy tờ chứng minh mối quan hệ họ hàng giữa người nhờ mang thai và người mang thai hộ, rồi hợp đồng pháp lý… Chỉ khi những hồ sơ này được duyệt đầy đủ về pháp lý, Hội đồng chuyên môn và hội đồng khoa học kỹ thuật của bệnh viện sẽ kiểm tra, tiến hành các xét nghiệm, chẩn đoán để xác định cặp vợ chồng hiếm muộn có trong nhóm được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ hay không. Sau khi đầy đủ hồ sơ pháp lý và chẩn đoán y khoa trong phạm vi được thực hiện kỹ thuật này, các bác sĩ sẽ gặp gỡ, tư vấn cho cả hai bên nhờ mang thai và mang thai hộ. Khi hai bên đã thông suốt, đồng ý, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện kỹ thuật thụ tinh.
MINH KHANG – SGGPO
Ý kiến ()