Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 06:05 (GMT +7)
Cách mạng công nghiệp 4.0 và những thách thức với báo chí-truyền thông
Thứ 5, 21/06/2018 | 11:20:00 [GMT +7] A A
Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến những thuận lợi to lớn trong quá trình phát triển, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với báo chí – truyền thông.
Để có thể theo kịp sự phát triển vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cần sự đầu tư lớn về kinh phí cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cũng như đào tạo lại nguồn nhân lực hiện có, đặc biệt là việc thay đổi nhận thức và phương thức làm báo của cả đội ngũ từ quản lý đến phóng viên, biên tập viên.
Thách thức từ mạng xã hội
Buổi Tọa đàm “Làm báo trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0” trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2018. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Theo ông Tống Tuấn Minh (Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông), Cách mạng công nghiệp 4.0 đã từng bước thâm nhập vào đời sống báo chí Việt Nam từ khoảng 10 năm trở lại đây với một số mô hình đã được áp dụng, tiêu biểu như mô hình tòa soạn hội tụ. Bên cạnh đó, đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí cũng thường xuyên được tham dự các lớp tập huấn về nghiệp vụ báo chí trong thời kỳ mới, cách thức hoạt động trong tòa soạn hội tụ, cách khai thác tin, bài để có thể ứng dụng trên nhiều loại hình báo chí khác nhau.
Để theo kịp xu hướng chung của báo chí thế giới, nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam đã chủ động phối hợp với các trung tâm đào tạo báo chí, mời các chuyên gia quốc tế trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn phóng viên, biên tập viên cũng như đội ngũ quản lý tại tòa soạn của mình.
Tuy nhiên, ông Tống Tuấn Minh cho rằng, việc áp dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với báo chí nói chung và việc triển khai mô hình tòa soạn hội tụ nói riêng ở Việt Nam vẫn ở mức sơ khai, chưa có sự đầu tư đầy đủ, hoàn chỉnh về cả công nghệ lẫn kỹ năng, đồng thời chỉ diễn ra ở một số cơ quan báo chí có tiềm lực mạnh. Bên cạnh đó, báo chí Việt Nam đã và đang vấp phải sự cạnh tranh của mạng xã hội trong cung cấp thông tin.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), mạng xã hội có ưu điểm thông tin được cập nhật, lan truyền nhanh, đa dạng, phong phú, có những tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích do Internet, mạng xã hội mang lại thì mặt trái của nó không hề nhỏ. Đặc biệt, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, chống đối chính trị đã và đang triệt để lợi dụng những công cụ này để thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta. Công tác quản lý thông tin trên mạng xã hội, định hướng dư luận ở nước ta hiện nay đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức do sự tác động của quá trình toàn cầu hóa thông tin, sự “bùng nổ” các phương tiện truyền thông Internet.
Ông Tống Tuấn Minh cho rằng, mặc dù báo chí chính thống có nhiều lợi thế như: Tính chính xác, chuẩn mực cũng như phương thức chọn lọc thông tin phù hợp với từng đối tượng độc giả của các cơ quan báo chí, nhưng không thể phủ nhận, nếu không có sự thay đổi để theo kịp cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nơi đề cao sự kết nối, báo chí sẽ ngày càng bị lấn át bởi các làn sóng mới trên môi trường mạng.
Một cơ quan báo chí để có thể theo kịp sự phát triển vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cần sự đầu tư lớn về kinh phí cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cũng như đào tạo lại nguồn nhân lực hiện có. Đây là thách thức đối với hầu hết các cơ quan báo chí, đặc biệt trong việc thay đổi nhận thức và phương thức làm báo của cả đội ngũ từ quản lý đến phóng viên, biên tập viên.
Ngoài ra, nguồn nhân lực của ngành báo chí trẻ nhưng cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng kịp nhu cầu, chậm thay đổi cũng là thách thức trên con đường bắt kịp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thích ứng với dòng chảy chung của thế giới
Trước thực tế báo chí Việt Nam hiện nay, ông Tống Tuấn Minh cho rằng, công tác quản lý báo chí cần có những giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý theo hướng mở, linh hoạt và mềm dẻo, tạo điều kiện trong công tác quản lý cũng như xử lý sai phạm, trong đó mở rộng quyền hạn cho các cơ quan quản lý báo chí ở Trung ương và địa phương… Đặc biệt, cần có cơ sở dữ liệu quốc gia về báo chí, trong đó chú trọng khả năng cập nhật thay đổi và tổng hợp thông tin của ứng dụng lưu chiểu điện tử, thực hiện việc lưu chiểu điện tử với báo in, tiến tới đồng bộ hóa dữ liệu về báo chí trong mọi loại hình. Đây là điều kiện cần thiết giúp quản lý báo chí có thể bắt kịp đà phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí-truyền thông, đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Huy Kỳ, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng báo chí-truyền thông cần nhận thức rõ tầm quan trọng và sự cấp bách của việc đào tạo nguồn nhân lực. Nhận thức đúng đắn, đầy đủ vấn đề này mới có thể chú trọng đổi mới chương trình, nội dung và phương thức đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ đổi mới phương pháp dạy và học báo chí-truyền thông đáp ứng nhu cầu xã hội.
Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cần bắt tay hành động thông qua việc tái cấu trúc chương trình, ngành và chuyên ngành đào tạo; đặc biệt chú trọng những ngành và chuyên ngành mới, gắn với kỹ thuật, công nghệ và phương thức tác nghiệp báo chí-truyền thông số; chú trọng đầu tư phương tiện dạy và học hiện đại, đủ đáp ứng việc thực hành nghiệp vụ cho sinh viên; đặc biệt cần giảm tải lý thuyết, tăng cường đào tạo thực hành, gắn với tác nghiệp thực tiễn tại các cơ quan báo chí, cơ sở truyền thông.
Cùng với xu hướng phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hạ tầng mạng ở Việt Nam đang được đầu tư lớn, bắt kịp với hạ tầng của các nước phát triển. Công nghệ mới liên tục được nhập khẩu dưới nhiều hình thức. Không thoát khỏi dòng chảy đó, báo chí Việt Nam đã và đang từng bước chuyển mình, thay đổi để thích ứng với dòng chảy chung của thế giới.
Ý kiến ()