Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 26/11/2024 18:47 (GMT +7)
Cải cách quản lý chất thải rắn, thiết lập ngành công nghiệp tái chế
Thứ 5, 11/02/2021 | 14:38:00 [GMT +7] A A
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất được kỳ vọng mang lại các cơ hội kinh tế và cơ hội để chia sẻ gánh nặng tài chính trong công tác quản lý rác thải rắn tại Việt Nam.
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là một cách tiếp cận chính sách môi trường, trong đó trách nhiệm của nhà sản xuất đối với một sản phẩm được mở rộng đến giai đoạn trở thành rác thải. Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất yêu cầu các nhà sản xuất chịu trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, sẽ góp phần giảm chi phí quản lý các sản phẩm tới cuối vòng đời bằng cách giảm việc thải bỏ và tăng tái chế.
Cần nhiều sáng kiến, giải pháp giảm thiểu và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Ảnh: TTXVN
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất được kỳ vọng mang lại các cơ hội kinh tế và cơ hội để chia sẻ gánh nặng tài chính trong công tác quản lý rác thải rắn tại Việt Nam, bao gồm chất thải bao bì nhựa không được thu gom, tái chế đang rò rỉ thành rác thải biển.
Thúc đẩy cải cách quản lý chất thải rắn
Khái niệm trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất lần đầu tiên được đưa ra trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, với yêu cầu thu hồi một số sản phẩm sau tiêu dùng. Ý tưởng chính để phát triển trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất ở Việt Nam là tìm kiếm một giải pháp tài chính để giải quyết tình trạng ô nhiễm do tái chế không chính thức trong các làng nghề. Quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất tiếp tục được kế thừa trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (với quy định trách nhiệm thu hồi sản phẩm thải bỏ). Tuy nhiên quy định này chưa thực sự hiệu quả, mới dừng ở một số ít chương trình mang tính tự nguyện.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 mới được Quốc hội thông qua cuối năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Luật Bảo vệ môi trường 2020 có nhiều cải cách, thay đổi lớn trong cách tiếp cận chính sách môi trường nhằm tăng cường quản lý môi trường, một trong những thay đổi đó là quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy cải cách hệ thống quản lý chất thải rắn hiện nay, từng bước hình thành công nghiệp tái chế và là nền tảng cho xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 hiện nay đã quy định nhà sản xuất có hai trách nhiệm: trách nhiệm tái chế chất thải (Điều 54) và trách nhiệm xử lý chất thải (Điều 55). Nếu như với trách nhiệm tái chế, nhà sản xuất phải tái chế các sản phẩm hoặc bao bì đóng gói sản phẩm của mình đưa ra thị trường theo một tỷ lệ và quy cách bắt buộc thì với trách nhiệm xử lý, nhà sản xuất phải đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý chất thải rắn trong trường hợp sản xuất, đưa ra thị trường bao bì chứa sản phẩm độc hại hoặc không có khả năng tái chế hoặc khó thu gom, xử lý.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đưa ra nguyên tắc cơ bản của cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất với việc yêu cầu các nhà sản xuất phải có trách nhiệm tái chế bao bì đã qua sử dụng với tỷ lệ bắt buộc dựa vào khối lượng hoặc đơn vị bao bì đóng gói sản phẩm mà nhà sản xuất đưa ra thị trường và phải tuân thủ quy cách tái chế bắt buộc. Nhà sản xuất có thể tự mình tổ chức thực hiện tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế chất thải.
Theo bà Nguyễn Hoàng Phượng, chuyên gia của Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc áp dụng chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất mang lại nhiều lợi ích như: Lợi ích về môi trường, giúp tăng tỷ lệ tái chế. Từ đó các vật liệu gây hại cho môi trường trong quá trình tiêu dùng được quay vòng trong chu trình sản xuất, tiêu dùng, thu gom, tái chế, giảm tác động tiêu cực của các vật liệu này đối với môi trường.
Lợi ích về kinh tế, các doanh nghiệp tham gia xây dựng cơ chế chuỗi giá trị của các sản phẩm, bao bì thuộc diện phải thu hồi, tái chế. Cải thiện kinh doanh và thu hút đầu tư để phát triển hơn nữa lĩnh vực tái chế và xử lý chất thải, góp phần tạo ra việc làm và việc làm chất lượng cao trên bình diện thu nhập, trình độ và điều kiện làm việc. Việc nhập khẩu nguyên liệu thô sẽ ít bị phụ thuộc, nâng cao sức cạnh tranh của nguyên liệu thứ cấp; hỗ trợ du lịch thông qua môi trường trong sạch hơn.
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất cũng mang lại lợi ích về xã hội, góp phần cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về cách phân loại, xử lý chất thải tại nhà, mang lại cho các gia đình một môi trường có lợi cho sức khỏe. Các đội ngũ thu gom, tái chế phi chính thức (hệ thống đồng nát, làng nghề) nâng cao năng lực sản xuất, bảo vệ môi trường. Những bên cung cấp nguyên liệu, thiết kế và sản xuất bao bì, kinh doanh hàng tiêu dùng, bán lẻ và xử lý chất thải tăng cường tương tác, góp phần giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp khi tạo ra các công việc mới.
Thúc đẩy thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất tại Việt Nam
Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động phối hợp với các bên có liên qua trong quá trình đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và hiện nay là đề xuất các nội dung chi tiết về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Theo kế hoạch, Nghị định này sẽ được Chính phủ trong tháng 10/2021 và chính thức có hiệu lực thi hành kể từ tháng 1/1/2022.
Hiện tại, Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện soạn thảo hướng dẫn chi tiết việc thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất theo quy định mới. Tổ công tác trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất ở Việt Nam đã được thành lập để thúc đẩy đối thoại đa bên trong xây dựng chính sách và thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất tại Việt Nam.
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Tổ công tác trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất ở Việt Nam được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập vào ngày 16/03/2020 với tư cách là một Nhóm làm việc đa bên tự nguyện với sự tham gia của các nhà sản xuất, nhà tái chế, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan chính phủ liên quan nhằm tăng cường đối thoại và phối hợp các nguồn lực để hỗ trợ thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất tại Việt Nam.
Tổ công tác ban đầu bao gồm phần lớn đại diện của ngành bao bì và đang tiếp tục mở rộng với các đại diện từ các nhóm ngành hàng tương ứng với các ngành hàng thuộc phạm vi điều chỉnh của chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Tổ công tác trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất gồm đại diện của các nhóm ngành hàng và Nhóm chuyên gia tư vấn và hỗ trợ hoạt động. Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam (IUCN Việt Nam) là cơ quan điều phối hoạt động của Nhóm chuyên gia và hỗ trợ cho hoạt động của Tổ công tác trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.
Tổ công tác là cơ chế tự nguyện dành cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, có nguyện vọng và hoạt động thúc đẩy thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với các sản phẩm, bao bì.
Khi tham gia Tổ công tác trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được cập nhật thông tin và tham gia các nghiên cứu, đối thoại, góp ý trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được đề xuất, tham gia thực hiện, quyết định chiến lược, kế hoạch hoạt động hàng năm và 5 năm của Tổ công tác trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; được cử thành viên tham gia các Nhóm chuyên gia tư vấn hoặc hỗ trợ cho hoạt động của Tổ công tác trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; được đề cử, ứng cử và bầu chọn Trưởng nhóm công tác của từng ngành hàng tương ứng. Bên cạnh đó, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được hỗ trợ thông tin và hướng dẫn trong việc thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; kết nối với các bên liên quan, chia sẻ các ý tưởng, sáng kiến trong việc xây dựng và thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất ở Việt Nam; được ghi nhận và vinh danh kết quả đóng góp cho quá trình xây dựng và thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất tại Việt Nam.
Về nghĩa vụ, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đăng ký tham gia Tổ công tác và có quyết định cử một đại diện tham gia và tham gia đầy đủ và có trách nhiệm đối với các hoạt động chung của Tổ công tác. Đồng thời cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nghĩa vụ cung cấp và chia sẻ thông tin cho quá trình xây dựng và thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Thi, Thư ký Tổ công tác trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, Vụ pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, để hệ thống trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đi vào hoạt động hiệu quả, thì sự đồng bộ về thiết kế mô hình cốt lõi của hệ thống trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và công cụ hỗ trợ phải được ban hành đồng bộ. Một mặt hình thành cơ chế thu gom, tái chế; một mặt tạo thị trường cho các sản phẩm tái chế. Như vậy, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết Điều 54 của Luật Bảo vệ môi trường 2020 là điều kiện cần, còn các chính sách về thuế nguyên liệu thô; phí thải bỏ trả trước; đặt cọc, hoàn trả; quy định, quy chuẩn về sản phẩm, bao bì; cơ sở dữ liệu về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là điều kiện đủ để thiết lập hệ thống trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất hoàn thiện, hiệu quả. Tuy nhiên, điều này cần phải có sự nghiên cứu để áp dụng từng công cụ ở từng giai đoạn cho phù hợp và có tác động thuận chiều, đồng thời tránh gánh nặng cho doanh nghiệp.
https://baotintuc.vn/xa-hoi/cai-cach-quan-ly-chat-thai-ran-thiet-lap-nganh-cong-nghiep-tai-che-20210211083326765.htm
Ý kiến ()