Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng vấn đề cơ bản nhất của cải cách thuế vẫn phải là cải cách hệ thống quản lý thuế. (Ảnh: Internet) |
Theo đó, đến cuối năm 2020, Việt Nam sẽ là 1 trong 4 nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á được xếp hạng có mức độ thuận lợi về thời gian thực hiện thủ tụ hành chính thuế. Đến năm 2020, tối thiểu có 90% doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ thuế điện tử, 65% doanh nghiệp đăng ký thuế, khai thuế qua mạng internet; và 80% số người nộp thuế hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp…
Tại một cuộc hội thảo mới đây, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam đã đánh giá rằng, thời qua việc thực hiện các cải cách thể chế để đáp ứng nhu cầu cải cách thuế đã được thực hiện tốt. Có những Thông tư Bộ Tài chính đã đưa ra sửa đổi chỉ trong vòng 6 ngày, một số Thông tư hướng dẫn khác cũng đã được ban hành rất nhanh.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều yêu cầu trong đổi mới cải cách thuế nhưng cơ sở hạ tầng, kĩ thuật hiện chưa đáp ứng được. Ví dụ trong Thông tư 92 về thuế thu nhập cá nhân: Phần mềm của tiền lương, tiền công theo biểu kê khai 02 nhưng lại được đưa về phần mềm quyết toán thuế năm 2015 và quyết toán đến ngày 31/3 vừa qua vẫn còn là tờ khai 09. “Có nghĩa là truyền thông của mình, phần mềm của mình chưa đáp ứng kịp thời các đổi mới về thể chế”, bà Cúc cho biết.
Song song với điều kiện cơ sở hạ tầng, kĩ thuật là yếu tố con người, theo bà Cúc, đội ngũ quản lý thuế các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chỉ chiếm khoảng 30% nhân lực. Trong khi có tới 70% cán bộ thuế đang quản lý thuế của các hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp nhỏ. Đội ngũ này gần như chưa đáp ứng được với yêu cầu quản lý về công nghệ thông tin, về trình độ ngoại ngữ, về đối chiếu chuyển giá.
Ngày nào cũng có vụ việc liên quan đến thuế
Trước những thực tế kể trên, bà Cúc cho rằng, trong cải cách về thuế hiện nay vẫn cần tập trung vào hai vấn đề là: Cải cách về thể chế và cải cách về quản lý thuế. Đối với cải cách về thể chế, có thể nghiên cứu bổ sung xây dựng chính sách chế độ thuế mới, đưa ra những luật, nghị định, thông tư.
Nhưng vấn đề cơ bản nhất của cải cách thuế vẫn phải là cải cách hệ thống quản lý thuế. Theo bà Cúc, ngoài việc tập trung vào áp dụng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý thuế, một nền tảng lớn hơn trong cải cách thuế đó chính là yếu tố con người, có nghĩa là nâng cao năng lực và phẩm chất đội ngũ cán bộ thuế để đáp ứng với cải cách thể chế, cũng như đáp ứng các ứng dụng của công nghệ thông tin.
Chủ tịch Hội Tư vấn thuế cho biết, ở nhiều quốc gia rất coi trọng việc đào tạo trình độ nghiệp vụ đối với cán bộ thuế. Ngay tại Nhật hay Malaysia, mỗi khi có một chính sách thuế mới ra họ cập nhật rất kỹ, muốn đưa đến doanh nghiệp và người nộp thuế thì cán bộ thuế phải thật tinh thông mới hướng dẫn được.
Trong khi đó ở nước ta, ngoài các cán bộ ở Tổng cục Thuế, cục thuế đáp ứng được yêu cầu, những cán bộ thuế còn lại khi thường xuyên phải tiếp xúc với doanh nghiệp, với người nộp thuế nhưng trình độ đang còn rất hạn chế.
“Hiện chúng ta có gần 500.000 doanh nghiệp nhưng hộ doanh nghiệp nộp thuế lên tới trên 1,5 triệu, rõ ràng cán bộ thuế tiếp xúc với số lượng 1,5 triệu là nhiều hơn cho nên ngày nào cũng có những vụ việc lên quan đến thuế chính là như vậy”, bà Cúc chỉ rõ.
Việc đào tạo này phải đảm bảo làm sao cho cán bộ thuế đạt mức tinh thông về nghiệp vụ, đủ trình độ về năng lực quản lý. Trong đó, năng lực cán bộ thuế cần bao hàm các yêu cầu về nghiệp vụ ngành, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin cũng như kỹ năng quản lý, và một yếu tố không thể thiếu đó là vấn đề đạo đức nghề nghiệp.
“Làm thế nào để hiểu được người nộp thuế? Muốn kiểm tra việc chuyển giá là rất khó nên cán bộ thuế phải có trình độ cao mới thực hiện được. Bên nộp thuế họ giỏi họ mới chuyển giá được thì cán bộ thuế phải được trang bị kiến thức kỹ càng. Kiến thứ đó phải được trang bị đồng bộ từ cán bộ Tổng cục thuế đến tận các Chi cục thuế. Có như thế mỗi khi gặp “vỏ quýt dày” mình sẽ có “móng tay nhọn” để giải quyết”, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam mong muốn./.
Ý kiến ()